Một trong những đột phá chiến lược được Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định là “tập trung đầu tư, phát triển các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh kết nối với các đường cao tốc, quốc lộ; kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng; kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại của vùng” để tạo đà cho Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước vào năm 2030.
Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Để nâng cao năng lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã chủ động tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Một số tuyến đường bộ huyết mạch quan trọng hoàn thành đã nhanh chóng phát huy hiệu quả góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào tỉnh như: Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án đầu tư xây dựng đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường ĐT.382B đoạn từ ranh giới tỉnh Hưng Yên – Hà Nội đến nút giao đường Vành đai 3,5 bên trái tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… Trong đó, tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa phận tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam là tuyến đường bộ rất quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là động lực phát triển khu vực Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, nhất là ba tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình. Tuyến đường hoàn thành góp phần kết nối giao thông giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL.38, QL.38B, QL.39 và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc, giảm tải lưu lượng qua QL.5, QL.1 và cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, đồng thời tạo sự thông suốt với Hải Phòng, Quảng Ninh và các sân bay Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình. Xác định tầm quan trọng của dự án, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, mục tiêu hoàn thành tuyến đường đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX. UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhất là các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), công tác triển khai dự án thường xuyên được đưa vào nội dung tại các cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra hiện trường để trực tiếp đôn đốc chỉ đạo. Mặc dù trong quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn từ công tác GPMB đến công tác xây lắp, nhưng với quyết tâm cao của tỉnh Hưng Yên; nhờ được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành Trung ương; sự chủ động tích cực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát; sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua, đến nay công trình đã hoàn thành, tạo thành tuyến đường quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc bộ, góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và 2 tỉnh Hưng Yên, Hà Nam.
Thi công xây dựng đường Tân Phúc – Võng Phan (giao ĐT.378)
Cùng với các dự án đã hoàn thành, hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng như: Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378); dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục ngang kết nối QL.39 với ĐT.376… Trong đó, dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Dự án có quy mô tuyến chính gồm 2 đường song hành quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h; tuyến nhánh kết nối đường dẫn cầu La Tiến và nhánh thuộc nút đầu tuyến kết nối với QL.38 quy mô đường cấp II đồng bằng, theo TCVN 4054:2005. Dự án có tổng mức đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng, với tổng chiều dài khoảng 29,2km. Dự án được đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Hưng Yên nói riêng, của khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt; là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX. Xác định tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025 đã chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật với tiến độ thực hiện rất khẩn trương, nhanh nhất. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB diện tích đất nông nghiệp, đất công; đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất nghĩa trang; đã thu hồi đất và bàn giao cho chủ đầu tư 153,87/175,756 héc-ta; đã di chuyển được hơn 450 ngôi mộ…
Với những nỗ lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông trong thời gian qua, đến nay hạ tầng giao thông của tỉnh đã cơ bản bảo đảm kết nối các loại hình giao thông, đáp ứng yêu cầu vận tải, chuyên chở hàng hóa lớn, trung chuyển hàng hóa tới các trung tâm kinh tế lớn của khu vực và quốc gia.
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định “Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên theo mô hình tổ chức không gian “hai vùng động lực, hai hành lang kinh tế, năm trục phát triển, ba trung tâm tăng trưởng” nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau, cùng phát triển”. Để thực hiện quy hoạch, ngành giao thông vận tải xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là nỗ lực nghiên cứu, rà soát để từ đó tham mưu với tỉnh tập trung nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, trình Chính phủ đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại không chỉ kết nối thuận lợi các vùng động lực, các cực tăng trưởng và hành lang kinh tế của tỉnh mà còn thỏa mãn yêu cầu kết nối vùng, liên vùng và hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia. Hiện tại, Sở đang tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của tỉnh và quốc gia như: Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường Tân Phúc – Võng Phan (giao ĐT.378); dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài… Như vậy, với các tuyến giao thông trọng điểm đã và đang được tỉnh tích cực triển khai sẽ cơ bản bảo đảm liên kết các hành lang kinh tế của tỉnh và kết nối thuận tiện với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đối với mục tiêu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quy hoạch tỉnh, ngành giao thông vận tải xác định nhiệm vụ trọng tâm là tham mưu với tỉnh huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hệ thống giao thông đồng bộ trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới.
Quyết tâm dồn lực, từng bước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hệ thống hạ tầng giao thông là giải pháp đúng đắn để Hưng Yên xây chắc nền móng tiến tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Trần Minh Hải
Giám đốc Sở Giao thông vận tải
https://baohungyen.vn/huy-dong-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-ket-cau-ha-tang-he-thong-giao-thong-3173518.html