Vải trứng Hưng Yên trở thành cây làm giàu cho người dân xã Phan Sào Nam
Là một trong những địa phương có điểm xuất phát thấp khi xây dựng NTM, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) đã huy động sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ đóng góp của Nhân dân và con em quê hương đang học tập, công tác, lao động trên mọi miền Tổ quốc. Phát huy nội lực, cấp ủy, chính quyền xã đã vận động người dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây vải trứng Hưng Yên và cây ăn quả. Từ vài héc ta trồng giống vải trứng Hưng Yên, đến nay toàn xã đã mở rộng diện tích trồng lên 150 héc-ta; giá trị kinh tế cây vải trứng Hưng Yên cao gấp 3-5 lần quả vải khác. Cùng với mở rộng diện tích, xã hướng dẫn người dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương. Hiện nay, vải trứng trở thành đặc sản của tỉnh Hưng Yên và cây làm giàu của người dân xã Phan Sào Nam. Ông Mai Văn Diện, người dân địa phương phấn khởi cho biết: Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà mấy năm gần đây gia đình tôi có của ăn của để. Tết năm nay, tôi thấy vui hơn vì vụ vải được mùa, được giá. Cầu mong sang năm mới mưa thuận gió hòa để bà con nông dân tiếp tục gặt hái được mùa quả ngọt.
Xuân năm nay, huyện Phù Cừ như tươi mới hơn với những công trình mới. Nhà văn hóa khang trang, những con đường bê tông nối dài tít tắp từ thôn này sang thôn khác, từ xã này nối với xã kia… góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, giúp người dân cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2023, trên địa bàn huyện Phù Cừ có 10 công trình giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế được hoàn thành và đưa vào sử dụng; 25 công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện và 33 công trình đã hoàn tất thủ tục, hồ sơ để chuẩn bị thi công. Nhân dân trong huyện đã hiến trên 32 nghìn m2 đất ở, trên 5 nghìn m2 đất nông nghiệp, phá dỡ hơn 14,5 nghìn m tường bao, trên 3 nghìn m2 công trình trên đất và đóng góp 1.620 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, hệ thống thoát nước trong khu dân cư. Toàn huyện có thêm 2 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, 1 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu; 8 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 2 trường học đạt chuẩn quốc gia. Thành lập mới 4 hợp tác xã và thêm 6 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP. Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn ước tăng 13,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được quan tâm. Huyện thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công; quan tâm, hỗ trợ, động viên những đối tượng yếu thế, tiếp thêm niềm tin, nghị lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Xuân đã về! khắp nơi trên quê hương Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân đang căng tràn niềm tin, hy vọng vào chủ trương xây dựng nông thôn mới vì dân và hợp lòng dân. Đồng chí Nguyễn Khả Phúc, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng huyện Phù Cừ đạt nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, định hướng ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025; tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo quy hoạch của tỉnh, của huyện; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ các cụm công nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, chủ lực của địa phương. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục… Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phù Cừ đoàn kết, chung sức, đồng lòng để những mùa xuân sau, diện mạo quê hương sẽ ngày một khang trang hơn, đời sống người dân ngày càng no ấm, hạnh phúc.
https://baohungyen.vn/phu-cu-chung-suc-det-mua-xuan-que-huong-3169536.html