Ngày 6.11, UBND tỉnh ra Thông báo số 396/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo toàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nội dung như sau:
Ngày 5.11.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo toàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi nghe Giám đốc Sở Y tế báo cáo về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh kết luận như sau:
Trong 20 ngày qua, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, với hơn 60 ca dương tính xuất hiện tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố; đặc biệt trong 2 ngày 3.11 và 4.11.2021, phát hiện các ổ dịch với số ca dương tính đang gia tăng: Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phường An Tảo, thành phố Hưng Yên, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động. Nguyên nhân dịch lây lan, bùng phát một phần do người về từ vùng dịch, lái xe đường dài không tuân thủ quy định về khai báo y tế, cách ly, xét nghiệm sàng lọc; một số dịch vụ hoạt động khi chưa được phép hoặc chưa đủ điều kiện về tiêm vắc xin phòng COVID-19; phần khác do sự chủ quan, lơ là, buông lỏng trong công tác quản lý cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch, tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép” trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, người đứng đầu các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 15.10.2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Công điện số 2745/CĐ-UBND ngày 4.11.2021 của UBND tỉnh về việc khẩn trương triển khai các biện pháp kiêm soát, khống chế dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh; đồng thời tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Khẩn trương khoanh vùng, cách ly, dập dịch các ổ dịch
- UBND huyện: Văn Lâm, Kim Động, Khoái Châu, UBND thành phố Hưng Yên và các địa phương có dịch tăng cường lực lượng, khẩn trương truy vết triệt để, hiệu quả, phong tỏa cách ly phù hợp và thực hiện xét nghiệm nhanh chóng, chính xác để sàng lọc F0, F1, F2, F3; bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài khu vực phong tỏa; bố trí các chốt kiểm soát chặt chẽ, không để người ra, vào khu vực phong tỏa; có phương án đáp ứng nhu yếu phẩm, thuốc men cho người dân trong khu phong tỏa; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc tổ chức điều trị đối với F0.
- Sở Y tế chỉ đạo, điều phối lực lượng hỗ trợ các địa phương có khu vực phong tỏa thực hiện lấy mẫu định kỳ, xét nghiệm nhanh chóng, chính xác cho các đối tượng trong khu vực phong tỏa; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả F0 theo phác đồ của Bộ Y tế.
- Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an tuyến huyện tăng cường lực lượng cho Công an tuyến xã phối hợp với lực lượng y tế khẩn trương truy vết thần tốc, triệt để, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh, chính xác cho các đối tượng nguy cơ liên quan đến các ổ dịch.
- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các địa phương liên quan tổ chức tiếp nhận, cách ly tập trung chặt chẽ các đối tượng F1, không để lây nhiễm chéo.
2. Điều trị bệnh nhân COVID-19
Sở Y tế chỉ đạo rà soát việc triển khai các khu điều trị bệnh nhân COVID- 19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, Bệnh viện Phổi, các Trung tâm y tế tuyến huyện; việc triển khai các trạm y tế lưu động hỗ trợ điều trị bệnh nhân tại nhà và các điều kiện cần thiết khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện phân loại điều trị bệnh nhân F0; tham mưu, đề xuất việc điều trị tại nhà đối với F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng trong trường hợp cần thiết.
Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hoàn thiện kế hoạch thành lập Bệnh viện dã chiến.
3. Cập nhật cấp độ dịch và các biện pháp tương ứng
UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình dịch trên địa bàn, chủ động đánh giá lại cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch; rà soát, điều chỉnh các dịch vụ, hoạt động đông người theo quy định, phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn.
4. Kiểm soát người từ vùng dịch và các đối tượng nguy cơ
- UBND huyện, thị xã, thành phố, Công an tỉnh chỉ đạo UBND cấp xã, Công an xã, Tổ COVID cộng đồng tăng cường quản lý chặt chẽ người từ vùng dịch và các đối tượng nguy cơ về địa bàn; yêu cầu khai báo y tế, thực hiện cách ly theo quy định; phát giác, tố giác và xử lý nghiêm ở mức cao nhất các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, làm lây lan dịch trong cộng đồng.
- UBND cấp huyện, cấp xã căn cứ tình hình dịch bệnh, điều kiện thực tế tại địa phương chỉ đạo các thôn, tổ dân phố thiết lập các chốt tự quản tại các đường chính vào thôn, khu phố nhằm kiểm soát người về từ vùng dịch, các đối tượng nguy cơ đến địa bàn, tố giác người không khai báo y tế; đồng thời yêu cầu người từ vùng dịch (theo thông báo của Bộ Y tế) thực hiện khai báo y tế, cách ly theo quy định; người đến từ địa phương có nguy cơ cao, rất cao vào thôn, khu phố phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu; người dân của thôn, tổ dân phố đi từ địa phương có nguy cơ cao, rất cao về phải thực hiện cách ly tại nhà theo quy định.
UBND cấp xã thành lập Đội phản ứng nhanh cấp xã với nhiệm vụ: Hỗ trợ các thôn, khu phố khi khối lượng công việc quá tải; đôn đốc, nhắc nhở tổ chức, gia đình, cá nhân chấp hành quy định phòng, chống dịch; giám sát việc thực hiện cách ly tại nhà.
- Các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ các khu vực đông dân cư, khu vực nguy cơ cao, các khu vực nhà trọ công nhân; chủ động đề xuất và phối hợp với ngành y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở bố trí 50% lực lượng làm việc tại cơ quan (50% làm việc trực tuyến tại nhà); đối với lực lượng công an, quân sự, y tế căn cứ tình hình thực tế của dịch bệnh và các yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn khác, thủ trưởng ngành quyết định bố trí lực lượng phù hợp, bảo đảm công tác phòng, chống dịch và không gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có việc ra ngoài tỉnh phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình, khi về phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của tỉnh. Yêu cầu người đến làm việc, giao dịch tại cơ quan, đơn vị phải đảm bảo các quy định về an toàn phòng, chống dịch.
- Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố có văn bản chỉ đạo đối với các doanh nghiệp do địa phương, ngành quản lý, yêu cầu: Đối tác đến làm việc, lái xe giao, nhận hàng hóa vào doanh nghiệp phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu; yêu cầu lao động của doanh nghiệp đã đến vùng nguy cơ cao, rất cao phải thực hiện tự cách ly tại nhà theo quy định và có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ khi trở lại doanh nghiệp làm việc.
5. Tổ chức cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng phương án triển khai thêm các khu cách ly tập trung tuyến tỉnh, tuyến huyện; tham mưu, đảm bảo điều kiện cho các khu cách ly tập trung tuyến tỉnh; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan hoàn thiện kế hoạch thiết lập Bệnh viện dã chiến, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15.11.2021.
6. Công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19
UBND huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo, đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho 100% người đủ điều kiện tiêm trước ngày 7.11.2021; rà soát, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian tiêm, không để hiện tượng “có vắc xin, có người đủ điều kiện và chưa được tiêm nhưng không tiêm, hoặc không tiêm được”.
7. Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên và hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường thông tin, truyền thông về phòng chống dịch, yêu cầu người về từ vùng dịch tự giác khai báo y tế, thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu 5K phòng, chống dịch.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội, đoàn thể tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người dân, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến cáo người dân toàn tỉnh không đi ra khỏi tỉnh khi không có việc cần thiết; khuyến cáo người dân từ các vùng có dịch tạm thời không về tỉnh; vận động ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh; phối hợp với UBND tỉnh triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội đối với người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy hỗ trợ kinh phí 5.000.000 đồng/thôn từ nguồn kinh phí xã hội hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, không tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư, chỉ tổ chức ở cấp xã, phường với tổng số không quá 20 người/điểm và tất cả người dự đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covd-19.
UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
https://baohungyen.vn/chinh-tri/202111/thong-bao-ket-luan-cua-chu-tich-ubnd-tinh-ve-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-c470be0/