Phố Hiến xưa, rồi thành phố Hưng Yên ngày nay như một sinh mệnh cũng tuân theo quy luật thịnh – suy, suy- thịnh, do những biến đổi của tự nhiên và thời đại. Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, do yêu cầu phát triển giao thương trong và ngoài nước, cộng với sự thuận lợi về vị trí địa lý: Bên sông Hồng, tuyến giao thông đường thủy quan trọng nhất Đàng ngoài nối liền Kinh đô Thăng Long với biển Đông, mở ra vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ rộng lớn và thế giới bao la, Phố Hiến trở thành cảng thị sầm uất, nơi đô hội, "tiểu Tràng An", chỉ xếp sau Thăng Long “Thứ nhất Kinh Kỳ - Thứ nhì Phố Hiến”. Do biến đổi của dòng chảy sông Hồng và những thay đổi trong chính sách quản trị đất nước triều Lê - Trịnh, cuộc xâm lăng Đông Dương của thực dân Pháp, thời kỳ vàng son của Phố Hiến chỉ còn trong ký ức. Vùng đất “Thứ nhì Phố Hiến” còn trải đôi lần suy thịnh về sau. Năm 1831, vua Minh Mạng (triều Nguyễn) quyết định thành lập tỉnh Hưng Yên, đặt Phố Hiến là thủ phủ. Rồi Hưng Yên bị Pháp chiếm đóng. Chính quyền thực dân cai trị đóng cơ quan đầu não ở nơi này. Công sở và nhà dân mọc lên, thị xã hình thành các phố, có nhà thương, bến tàu, bến xe, sân bay trực thăng dã chiến... Tuy không còn sầm uất như trước nhưng Phố Hiến vẫn mang hình hài là đô thị láng giềng với Hà Nội, Hải Phòng... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) đã tới. Thị xã Hưng Yên thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, dần trở nên hoang tàn. Cơ quan đầu não của tỉnh rút vào bí mật, sơ tán về các vùng quê còn nhân dân thì một số tản cư vào vùng tự do, số ở lại sinh nhai, làm hậu phương vững chắc cho cách mạng. Tháng 5/1954, hòa bình lập lại, thị xã hồi sinh, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 26/1/1968, Hưng Yên hợp nhất với Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, đặt tỉnh lỵ ở thị xã Hải Dương; Hưng Yên vẫn là thị xã nhưng vai trò mờ nhạt. Từ năm 1964 đến năm 1975, đất nước còn nghèo do phải tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong hơn chục năm đó, thị xã Hưng Yên ít đổi khác, thậm chí có lúc như “bị bỏ quên” như trong câu ca: “Ai về thị xã Hưng Yên/Trời mưa có nước, nửa đêm có đèn”(điện).
Ngày 01 tháng 01 năm 1997, sau 29 năm hợp nhất, tỉnh Hưng Yên tái lập, thị xã Hưng Yên được “trả lại tên cho em” về ngôi vị cũ - thủ phủ - trên nền Phố Hiến xưa. Từ đây, thị xã Hưng Yên bước vào cuộc hồi sinh và phát triển đáng kể nhất trong lịch sử sinh thành của mình.
12 năm sau ngày tái lập tỉnh, thị xã được nâng thành thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh (theo Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 19/1/2009 của Chính phủ). Sau những khó khăn, chật vật của thời “mới ra ở riêng”, giờ đây, thành phố đã không ngừng lớn mạnh và đang thay da đổi thịt từng ngày, cùng nhịp tiến chung của quê hương, đất nước. Về quy mô, từ một thị xã nhỏ, nay thành phố Hưng Yên đã có 7 phường, 10 xã, dân số 118.646 người (năm 2020). Hạ tầng giao thông xây dựng phát triển đồng bộ, thúc đẩy giao thương phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố bỏ được thế “đường cụt”, cô lập bằng những cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Luộc (cầu Yên Lệnh, cầu Hưng Hà) cùng các con đường thênh thang nhựa phẳng như những cánh tay khổng lồ vươn ra mọi hướng. Hệ thống cống ngầm như ô bàn cờ chạy theo các tuyến đường nội đô chấm dứt cảnh úng ngập. Vỉa hè được lát đá xanh bền đẹp. Các nẻo đường liên thôn, liên xã ngoại ô cũng được nhựa hóa, bê tông hóa. Hàng loạt công trình được xây dựng to đẹp: Quảng trường Nguyễn Văn Linh, Bảo tàng tỉnh, Bưu điện tỉnh… Các công trình phục vụ dân sinh đua nhau mọc lên. Trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, đền chùa được sửa sang, tôn tạo, bảo tồn giá trị văn hóa của cha ông. Công viên vui chơi giải trí - thể dục gắn với hồ An Vũ 1, hồ An Vũ 2, hồ Bán Nguyệt được mở rộng, sớm chiều rộn rã tiếng cười đùa con trẻ, in dấu chân thong dong dạo bước của các bậc lão niên. Thành phố Hưng Yên như một bức tranh phát triển đồng đều về các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội, xứng tầm là thủ phủ của tỉnh.
Khách phương xa hỏi “Thành phố nơi anh đang sống có gì đặc sắc?”
Câu trả lời là: Hưng Yên là thành phố xinh đẹp và thân thiện. Thành phố hài hòa giữa vẻ đẹp cổ kính và hiện đại, giữa cũ và mới, giữa sôi động và thanh bình, giữa phát triển và gìn giữ môi trường. Trong không gian trẻ trung, sôi động, vẳng đâu đây tiếng chuông chùa khiến hồn ta trầm lắng buổi hôn hoàng. Bên những nhấp nhô phố xá, nhà cao tầng thì đầm sen bát ngát thầm lặng tỏa hương thơm. Con hồ lớn điều hòa nhịp thở cho thành phố, cánh cò vẫn chao nghiêng mỗi buổi chiều về. Hưng Yên là xứ sở của nhãn. Nhãn tỏa bóng mát trên đường, trong các khu vườn ngoại ô, rưng rưng hoa nở mỗi độ xuân về…
Dù không phải nơi tôi sinh nhưng đã quá nửa đời tôi gắn bó với thành phố này. Tôi đang chứng kiến thành phố thân yêu ào ạt chuyển mình, tiếp tục làm nốt những gì còn lại để đạt được mục tiêu năm 2025, trở thành đô thị loại II.
https://baohungyen.vn/thanh-pho-hung-yen-tren-duong-di-toi-3168389.html