Sử dụng mạ khay, máy cấy trong gieo cấy lúa theo hướng hữu cơ tại huyện Ân Thi
Mục tiêu của đề án, đến năm 2025, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% diện tích trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh như: lúa, cây ăn quả, rau. Tỉ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh như: Thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy cầm. Diện tích nuôi thả thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5% tổng diện tích đối với một số sản phẩm nuôi chủ lực của tỉnh. Giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ so với sản xuất phi hữu cơ ít nhất từ 15% trở lên. Đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5% diện tích đất trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh như: lúa, cây ăn quả, rau. Tỉ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh như: Thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy cầm. Diện tích nuôi thả thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nuôi thả đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ so với sản xuất phi hữu cơ ít nhất từ 20% trở lên.
Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, việc xây dựng Đề án “Hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” là cần thiết, nhằm xác định phạm vi sản phẩm, đối tượng thực hiện, kế hoạch thực hiện chính sách tác động và nguồn lực thực hiện, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ và định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2030.
Thực hiện đề án, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững cho gần 500 lượt các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương xây dựng một số mô hình sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ với diện tích 12 héc-ta; trong đó, trên cây lúa 10 héc-ta, cây rau quả thực phẩm 2 héc-ta. Các hộ tham gia mô hình đã được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hữu cơ đáp ứng theo yêu cầu tại Tiêu chuẩn số TCVN 11041-2:2017.
Các mô hình sản xuất hữu cơ bước đầu đã làm thay đổi tư duy của người sản xuất theo hướng tạo ra các sản phẩm nông sản có chất lượng, giá trị kinh tế cao, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, từng bước xây dựng nền sản xuất sạch, bền vững bằng việc không sử dụng các nguyên liệu đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) có nguồn gốc hóa học mà thay thế bằng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, vi sinh, nấm đối kháng, thiên địch… Sản phẩm của các mô hình đã đáp ứng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm nên có giá bán cao hơn so với sản phẩm sản xuất theo qui trình truyền thống từ 1,5 đến 2 lần; một số sản phẩm như dưa chuột, rau ăn lá có giá bán cao hơn 3 - 4 lần, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự tin tưởng, khích lệ nông dân mở rộng diện tích, phạm vi áp dụng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động chứng nhận chuyển đổi sản xuất hữu cơ cho các vùng sản xuất trên, dự kiến đến năm 2024 sẽ cấp xong giấy chứng nhận.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ vừa bảo đảm tính bền vững, đồng thời bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của sản phẩm hữu cơ tới người quản lý, người sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng; việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, chế biến, giám sát và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Sở Nông nghiệp và PTNT tích cực xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ như quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ưu đãi cho thuê đất... Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ, quan tâm tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan tới phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học…
Trồng dưa vàng theo mô hình hữu cơ tại huyện Phù Cừ
Yếu tố thị trường có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, do vậy, các ngành liên quan cần quan tâm, tìm hiểu thị trường tiềm năng giúp doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu và mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, các ngành, địa phương cần đánh giá lại quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp trên các phương diện: Quản lý, chất lượng, thương mại sản phẩm… để tìm ra những khó khăn, đề xuất giải pháp phù hợp cho phát triển. Nghiên cứu lựa chọn và điều chỉnh giống cây trồng, vật nuôi; cách thức, kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên. Trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khó lường, gây ra nhiều bất lợi cho canh tác nông nghiệp hữu cơ vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết do không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Do vậy, cần đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống phun nước tự động (nhỏ giọt hoặc phun sương), hệ thống cảm biến tự động… trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, đẩy mạnh khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ.
https://baohungyen.vn/san-xuat-nong-nghiep-huu-co-3168455.html