Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng với những nội dung sau:
- Tên dự án: xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng.
- Nhóm dự án: dự án nhóm A.
- Cấp Quyết định chủ trương đầu tư: Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Cấp Quyết định đầu tư dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chủ đầu tư: Sở Giao thông vận tải.
- Địa điểm xây dựng: huyện Văn Giang, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động và thành phố Hưng Yên.
- Dự kiến tổng mức đầu tư dự án: 9.275 tỷ đồng (Bằng chữ: Chín nghìn hai trăm bảy mươi lăm tỷ đồng).
- Nguồn vốn đầu tư: ngân sách tỉnh.
- Thời gian thực hiện dự án: năm 2023-2027.
- Hình thức đầu tư của dự án: xây dựng mới.
- Mục tiêu, quy mô dự án
11.1. Mục tiêu đầu tư: xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thiết yếu của tỉnh Hưng Yên nói riêng, của khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt; phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân và khai thác được quỹ đất dọc hai bên tuyến, phát triển và hình thành các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ du lịch... thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên; hình thành tuyến đường liên kết vùng kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng Thăng Long - Phố Hiến - Tam Chúc - Bái Đính - Chùa Hương; kết nối giao thông vùng Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình. Là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX.
11.2. Quy mô đầu tư
- a) Bình đồ, hướng tuyến
Tuyến đường có điểm đầu tại Km0+000, ranh giới tỉnh Hưng Yên và Hà Nội tại Km76+984 trên đường ĐT.378 (đê sông Hồng), xã Xuân Quan, huyện Văn Giang; điểm cuối khoảng Km55+680 giao đê tả sông Hồng tại Km133+500, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng L=55,68 Km; hướng tuyến gồm các đoạn như sau:
- Đoạn Km0+000 đến Km3+300 tuyến đi trùng đường đê tả sông Hồng (ĐT.378), sau đó tuyến tách ra đi sát đê về phía bãi sông.
- Đoạn Km3+300 - Km15+000 tuyến đi sát đê hiện hữu, về phía ngoài bãi sông.
- Đoạn Km15+000 - Km17+300 tuyến đi sát đê hiện hữu, về phía trong đê.
- Đoạn Km17+300 - Km44+000 tuyến đi sát đê hiện hữu, về phía ngoài bãi sông.
- Đoạn Km44+000 - Km55+680 tuyến bám sát khu dân cư phía ngoài bãi sông, cách đê hiện hữu khoảng cách trung bình từ 1,0-1,5km.
- b) Trắc dọc tuyến: thiết kế bảo đảm cao độ mặt đường và êm thuận trên toàn tuyến.
Cao độ thiết kế cần bảo đảm phù hợp với cao độ xây dựng khống chế trong quy hoạch; đồng thời xét đến các yếu tố hiện trạng, tự nhiên, tần suất lũ, các cao độ khống chế bởi các công trình ngầm, công trình nổi trên mặt đất. Đối với đoạn tuyến đi ngoài đê bảo đảm phòng, chống lũ ở mức báo động số 3 tuyến sông Hồng qua địa phận tỉnh Hưng Yên.
- c) Trắc ngang tuyến
- Đoạn đi trên mặt đê, tận dụng đê hiện trạng (Km0+000 - Km3+300): Quy mô theo đường hiện trạng, tận dụng đê hiện hữu và đường gom chân đê. Quy mô đường hiện trạng phần đê quy mô 2 làn xe, Bn/Bm = 10,0/9,0m; đường gom quy mô 2 làn xe Bn/Bm=(9,0-13,0)/(7,0-8,0)m, vỉa hè rộng Bvh=2,0-5,0m (theo hiện trạng khu vực).
- Đoạn từ Km3+300 - Km55+680: mặt cắt ngang tuyến được thiết kế với quy mô bề rộng nền đường Bn,=43,5 m, cụ thể như sau:
+ Chiều rộng mặt đường Bm=2 x 10,5m=21,0 m.
+ Chiều rộng dải phân cách giữa Bdpc=6,0 m.
+ Chiều rộng lề đất Blđ=2 x 0,5m=1,0 m.
+ Chiều rộng dải phân cách bên Bdpc bên=1 x 2,5m=2,5 m.
+ Chiều rộng đường gom 1 bên Bđg=1 x 8,0m=8,0 m.
+ Chiều rộng vỉa hè một bên Bvh=1 x 5,0m=5,0 m (phạm vi đầu tư vỉa hè sẽ được nghiên cứu chi tiết cụ thể tại bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bảo đảm hiệu quả và thiết thực).
- Bề rộng dải cây xanh tại các vị trí tuyến đi ngoài để thay đổi phụ thuộc vào khoảng cách tim đường di sản đến đê hiện trạng.
- d) Kết cấu mặt đường: mặt đường bê tông nhựa chặt.
đ) Hệ thống thoát nước: xây dựng hệ thống thoát nước bảo đảm phù hợp với quy mô cấp đường và quy hoạch, có thỏa thuận với địa phương và các bên liên quan.
- e) Công trình cầu: trên tuyến dự kiến 2 cầu vượt qua kênh thủy lợi tại Trạm bơm Liên Nghĩa, Trạm bơm Nghi Xuyên và cầu Nghi Xuyên phù hợp với quy mô qua sông, kênh thủy lợi.
- Cầu Liên Nghĩa (Km6+500): xây dựng cầu qua kênh thủy lợi dẫn từ Trạm bơm Liên Nghĩa ra sông Hồng. Cầu vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT DƯL, trong phạm vi chính tuyến xây dựng 2 đơn nguyên cầu với bề rộng mỗi đơn nguyên 12,0m, cách nhau 5,0m; trong phạm vi đường gom xây dựng 1 đơn nguyên cầu với bề rộng 13,5m, cách cầu chính tuyến 1,5m.
- Cầu Nghi Xuyên (Km26+650): xây dựng cầu qua kênh thủy lợi dẫn từ Trạm bơm Nghi Xuyên ra sông Hồng. Cầu vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT DUL; trong phạm vi chính tuyến xây dựng 2 đơn nguyên cầu với bề rộng mỗi đơn nguyên 12,0m, cách nhau 5,0m; trong phạm vi đường gom xây dựng 1 đơn nguyên cầu với bề rộng 13,5m, cách cầu chính tuyến 1,5m.
- g) Nút giao: thiết kế các nút giao bảo đảm phù hợp quy hoạch, bảo đảm an toàn giao thông và năng lực thông xe qua các nút giao. Phương án cụ thể của các vị trí nút giao sẽ được nghiên cứu chi tiết khi khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
- h) Các công trình khác
- Dải phân cách: bó vỉa và trồng cây xanh tạo cảnh quan trên dải phân cách giữa. Mở dải phân cách giữa tại các vị trí quy hoạch có các đường ngang lớn và các điểm quay xe tại các khu đô thị.
- Hè đường, cây xanh: các đoạn qua khu đô thị xây dựng vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng 5,0m. Trên hè lát đá, lát gạch, bên dưới bố trí các công trình ngầm (đường ống thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện). Dọc hai bên hè đường bố trí các hố trồng cây với khoảng cách giữa các hố trung bình 8,0m.
- Gia cố ta luy: các đoạn tuyến qua ao, hồ và dọc theo mép sông, mái ta luy được gia cố bằng đá hộc.
- Đường công vụ: xây dựng đường công vụ phù hợp bảo đảm phương tiện có thể di chuyển thông suốt trong phạm vi thi công.
- Điện chiếu sáng: bố trí hệ thống chiếu sáng bảo đảm phù hợp với quy mô tuyến đường và theo các tiêu chuẩn QCVN.
- i) Hệ thống an toàn giao thông: theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh
- a) UBND tỉnh báo cáo các cơ quan Trung ương, bộ, ngành có liên quan xem xét, thẩm định và quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật khi đã bảo đảm về nguồn vốn để triển khai thực hiện. Tổ chức triển khai thực hiện dự án bảo đảm theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 257/QĐ-TTg ngày 18 tháng 2 năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; số 429/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 phê duyệt, sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18 tháng 2 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 2616/BNN-KH ngày 28/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Văn bản số 3257/BNN-ĐĐ ngày 22 tháng 5 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về phương án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch dọc sông Hồng, tỉnh Hưng Yên, Kết luận số 687-KL/TU ngày 30 tháng 6 năm 2023 tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và các quy định hiện hành có liên quan bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư. Triển khai dự án cần tính toán thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để bảo đảm yếu tố an toàn, ổn định của công trình và yếu tố kinh tế - kỹ thuật của dự án.
- b) Đánh giá đúng hiện trạng dự án, tổng mức đầu tư, hướng tuyến, vị trí của dự án; bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng, định mức chi phí, suất đầu tư, thiết kế xây dựng. Lựa chọn phương án thiết kế kỹ thuật, đầu tư hợp lý, hiệu quả tối ưu; bảo đảm đầu tư dự án hiệu quả, đồng bộ theo quy hoạch; có tính kết nối với các tuyến đường theo quy hoạch; có giải pháp kỹ thuật, thiết kế các công trình bảo đảm an toàn giao thông của Nhân dân; tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành Trung ương liên quan đến dự án, nhất là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đoạn tuyến ngoài bãi sông Hồng tại địa phận thành phố Hưng Yên, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình, đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng trước khi quyết định đầu tư dự án; xác định rõ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảo đảm sự đồng thuận của Nhân dân, đánh giá các tác động của dự án đối với địa phương.
- c) Triển khai thực hiện dự án bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông của tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cập nhật đồng bộ tuyến đường vào quy hoạch chung xây dựng của các huyện Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang và thành phố Hưng Yên. Thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảo đảm sự đồng thuận của Nhân dân. Định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
- d) Bố trí đủ vốn thực hiện dự án trong từng giai đoạn; cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hằng năm để triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiến độ thực hiện dự án đã phê duyệt, tránh phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản và kéo dài thời gian thực hiện dự án làm giảm hiệu quả đầu tư.
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII, Kỳ họp thứ Mười bốn nhất trí thông qua ngày 6 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
https://baohungyen.vn/phe-duyet-chu-truong-dau-tu-du-an-xay-dung-tuyen-duong-ket-noi-di-san-van-hoa-du-lich-phat-trien-kin-3164582.html