Không may bị khiếm khuyết, em V. T. H ở xã Toàn Thắng (Kim Động) được phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề tại trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ. Sau khi ra trường, nhờ có tay nghề khá, em được nhận vào làm tại Công ty TNHH cộng đồng 18/4 (Kim Động). Dù tiền lương hằng tháng không nhiều nhưng đó là sự khẳng định dù bị khiếm khuyết nhưng em vẫn có thể làm việc và tạo ra thu nhập.
Dạy nghề thêu cho trẻ khuyết tật tại Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu
Tại Trường phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ, công tác dạy nghề cho người khuyết tật được chú trọng. Mặc dù kinh phí dành cho học nghề còn hạn hẹp, trang thiết bị còn thiếu thốn nhưng với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm, các thầy, cô giáo đã kiên trì dạy dỗ, chỉ bảo để các em có nghề. Công tác giới thiệu việc làm cho học sinh khuyết tật sau khi học nghề tại trường luôn được quan tâm nhằm giúp các em có được việc làm, hòa nhập với cộng đồng, ổn định phần nào cuộc sống, giảm bớt một phần gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Trung bình mỗi năm, trường giới thiệu được từ 10 đến 15 em là học sinh khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ có việc làm ổn định tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Ngân ở xã Cẩm Xá (thị xã Mỹ Hào) bị mù bẩm sinh, có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Năm 2002, sau khi trở thành hội viên Hội Người mù, chị được đi học nghề xoa bóp bấm huyệt. Cùng với đó, được vay vốn nên chị đã mạnh dạn cùng các hội viên khác mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt. Đến nay, cơ sở của chị tạo việc làm thường xuyên cho 3 hội viên khác với mức thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Để giúp người mù có kiến thức, tay nghề sản xuất, kinh doanh, phù hợp với sức khoẻ và khả năng, từ năm 2007 đến nay, Hội Người mù tỉnh đã mở 56 lớp dạy chữ, dạy nghề, truyền nghề ngắn hạn, tập huấn cho 540 học viên với các nghề: Xoa bóp bấm huyệt, vi tính văn phòng, trồng trọt, chăn nuôi… Được học nghề, được hỗ trợ vay vốn, nhiều người mù có điều kiện để sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ tẩm quất … phát triển kinh tế gia đình, bản thân có thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 cơ sở tẩm quất xoa bóp do hội quản lý, giải quyết việc làm cho 20 hội viên có thu nhập ổn định. Ngoài ra, 48 tổ dịch vụ xoa bóp cá nhân do hội viên tự quản lý và hành nghề sau khi được đào tạo nghề tại Trung ương Hội và Hội người mù tỉnh đã giải quyết việc làm cho 97 hội viên với mức thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/người/tháng…
Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh đã đào tạo nghề trình độ sơ cấp, ngắn hạn cho gần 1.500 người khuyết tật tập trung vào các ngành, nghề như: May công nghiệp, làm hoa lụa, thêu... Sau đào tạo có trên 500 người khuyết tật được giới thiệu vào làm tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất; 700 người khuyết tật được giới thiệu nhận gia công sản phẩm tại nhà; những người còn lại tự tạo việc làm. Cùng với đó, Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ, Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, Hội Người mù tỉnh… chú trọng dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.
Mặc dù công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên, do hạn chế về sức khỏe, sự tự ti, mặc cảm của người khuyết tật; một số cơ sở, doanh nghiệp còn không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc… nên kết quả và hiệu quả đào tạo nghề cho người khuyết tật còn hạn chế.
Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành chức năng, sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và toàn xã hội. Thực hiện Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 23/11/2020 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2030, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát thực trạng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh làm căn cứ để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xây dựng, bổ sung hoàn thiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật; tổ chức thực hiện trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế… Đồng thời, thống kê, đánh giá các cơ sở đào tạo nghề đối với người khuyết tật và nhu cầu học nghề của người khuyết tật; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề đối với người khuyết tật linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo phù hợp với nghề đào tạo, hình hình thức đào tạo; nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với người khuyết tật…; ưu tiên thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phụ nữ khuyết tật, người khuyết tật và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm…
https://baohungyen.vn/day-nghe-tao-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-3168989.html