 |
Trong giờ làm việc tại Công ty cổ phần Bigrfeed Hưng Yên (Yên Mỹ) |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tại kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh khóa XVII, năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,8% (kế hoạch năm tăng 8%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,5%... Một số sản phẩm chủ yếu tăng khá như: Quần, áo các loại tăng 8,2%, sản phẩm bằng plastic các loại tăng 8,72%, thép các loại tăng 7,6%, bao bì bằng chất dẻo tăng 9,5%... Kết quả này đã góp phần quan trọng vào bức tranh tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh năm 2021: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,52%, cao hơn so kế hoạch và so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5.167 triệu USD, đạt 107,6% kế hoạch, tăng 23,8%. Tổng thu ngân sách ước đạt 17.300 tỷ đồng, đạt 127,3% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2020.
Có được kết quả trên, bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã kiên trì thực hiện mục tiêu kép với nhiều giải pháp giúp người dân và doanh nghiệp dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh. Tỉnh ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp; giao ngành chuyên môn và các địa phương tổ chức tập huấn phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ phụ trách y tế của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, yêu cầu chủ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án và cam kết thực hiện phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sản xuất. Đồng thời, tỉnh tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến, trực tiếp với các địa phương, doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp; chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian vay nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Do dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động xuất, nhập khẩu gặp khó khăn, một số loại nguyên, vật liệu nhập khẩu tăng cao, thiếu hụt nhân lực, cộng thêm những chi phí phát sinh do doanh nghiệp phải thực hiện phòng, chống dịch... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất công nghiệp. Với sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Trung ương và của tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã tích cực, chủ động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm; chủ động ký kết đơn hàng với đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường mới, qua đó đã duy trì ổn định sản xuất và tăng trưởng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Đặc biệt, sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (Nghị quyết số 128), các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở lại nhịp độ, khẩn trương thực hiện kế hoạch, phương án thúc đẩy sản xuất, cung ứng sản phẩm trong tình hình mới.
Công ty cổ phần Bigrfeed Hưng Yên (Yên Mỹ) là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài gặp khó khăn, vì thế lượng sản phẩm sản xuất và cung ứng của công ty giảm so với cùng kỳ năm 2020. Trước thực trạng trên, cùng với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, công ty liên tục cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, hợp tác liên kết các lĩnh vực trong chuỗi: Giống - thức ăn - chăn nuôi - thực phẩm sạch; tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cung cấp con giống, công nghệ sinh học, lấy sản xuất thức ăn chăn nuôi làm trung tâm nhằm đem lại giải pháp cạnh tranh và giá trị cao hơn cho khách hàng chăn nuôi, góp phần tạo ra các sản phẩm an toàn. Do đó, đời sống của người lao động trong công ty vẫn bảo đảm với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ), năm 2020 đã đầu tư 150 tỷ đồng lắp đặt điều hòa không khí, máy cắt, máy trải tự động, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng... phục vụ sản xuất. Ngoài ra, công ty còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành sản xuất; bố trí, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của người lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, trong khi tại nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động nhưng công ty vẫn thu hút được nhiều lao động. Hiện nay, công ty có hơn 3 nghìn lao động. So với cùng kỳ năm 2020, số lao động làm việc tăng 1 nghìn người, năng suất lao động tăng 15%...
Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu kép, hy vọng trong thời gian tới, sản xuất công nghiệp trên địa bành tỉnh sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của tỉnh.
https://baohungyen.vn/kinh-te/202112/thuc-hien-muc-tieu-kep-trong-san-xuat-cong-nghiep-e9f602a/