|
Một góc Khu trung tâm thương mại huyện Tiên Lữ |
Tại thời điểm tái lập ngày 1.5.1997, Tiên Lữ vẫn là huyện thuần nông với điểm xuất phát thấp về kinh tế, hạ tầng lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng. Mạng lưới giao thông và mạng lưới điện chất lượng kém. Công nghiệp chưa phát triển, chưa có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quy mô lớn đầu tư vào địa bàn; tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ, thô sơ; mặt bằng dân trí chưa theo kịp với yêu cầu phát triển mới, đội ngũ cán bộ vừa thiếu lại vừa yếu về năng lực và kinh nghiệm. Đời sống Nhân dân gặp khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao. Trong bối cảnh đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện đã nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn của huyện mới tái lập, phát huy truyền thống cách mạng, huy động các nguồn lực, năng động, sáng tạo, phấn đấu giành kết quả tốt. Trải qua 25 năm tái lập huyện, những thành tựu huyện Tiên Lữ đạt được tương đối toàn diện, vững chắc: Kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng – an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng cao. Có được những kết quả nổi bật đó là do Đảng bộ huyện luôn quán triệt sâu sắc quan điểm coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tiên Lữ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, trà vụ hợp lý. Huyện chú trọng xây dựng nhiều chương trình, đề án ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp như: Chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; dồn thửa, đổi ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với chương trình OCOP; đề án phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP gắn với trọng tâm xây dựng mô hình hợp tác xã; đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường, giai đoạn 2021 – 2025. Giá trị sản xuất của huyện không ngừng tăng cao, đạt trên 8.934 tỷ đồng vào năm 2021 (năm 1997 giá trị sản xuất của huyện đạt trên 423,5 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 10,9%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56 triệu đồng (tăng gần 20 triệu đồng so với năm đầu tái lập). Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Nhật Tân, An Viên, Dị Chế, Hải Triều, Hưng Đạo; có 6 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Tiên Lữ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2021, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ chiếm trên 85% trong cơ cấu kinh tế của huyện (năm 1997, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ chiếm tỷ lệ trên 44% trong cơ cấu nền kinh tế). Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 3.759,4 tỷ đồng (tăng trên 3.700 tỷ đồng so với năm đầu tái lập). Huyện thu hút gần 300 doanh nghiệp vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 17.500 lao động. Hiện nay, huyện đã hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng cụm công nghiệp Ngô Quyền; hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập cụm công nghiệp Thiện Phiến - Dị Chế; bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp Trung Dũng - Cương Chính. Dự án chợ truyền thống kết hợp với trung tâm thương mại huyện dự kiến đưa vào sử dụng trong quý II năm 2022. Huyện đã cải tạo, nâng cấp được nhiều tuyến đường huyện; cơ bản cứng hóa đường thôn, xã và trục chính nội đồng. Lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách phát triển mạnh mẽ, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, tạo thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương..
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm phát triển toàn diện; quy mô, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa; chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, THCS luôn trong tốp đầu của tỉnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển sâu rộng, chất lượng, hiệu quả. Di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn được quan tâm trùng tu, tôn tạo, góp phần nâng cao giá trị giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân. Công tác y tế - dân số, lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ; cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,4%.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được Ban chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ thường xuyên quan tâm. Hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực, có chiều sâu trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của địa phương. Việc quán triệt, học tập chỉ thị, nghị quyết được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm, chỉ đạo theo tinh thần “đổi mới, nâng cao hiệu quả học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng”; xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết sát với thực tiễn.
Những kết quả mà Đảng bộ và Nhân dân huyện Tiên Lữ đạt được trong thời gian qua đã minh chứng cho sức sống, trí tuệ, niềm tin và khát vọng mãnh liệt vào tương lai của người dân nơi đây. Thời gian tới, huyện Tiên Lữ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện tái cơ cấu và nâng cao giá trị ngành nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi liên kết trong sản xuất nông sản; xây dựng vùng lúa chất lượng cao, hình thành cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn; tranh thủ mọi nguồn lực phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với nhiều loại hình và quy mô nhằm tạo bước đột phá. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, quan tâm trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa nhằm tạo động lực tinh thần trong quá trình phát triển của huyện...
Doãn Anh Quân
Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch HĐND huyện Tiên Lữ
https://baohungyen.vn/chinh-tri/202204/chao-mung-ky-niem-25-nam-tai-lap-huyen-tien-lu-1997-2022-tap-trung-tri-tue-doan-ket-khai-thac-nguon-luc-xay-dung-huyen-tien-lu-co-kinh-te-xa-hoi-phat-trien-theo-huong-hien-dai-6625493/