
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp
Với 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp, 11 câu hỏi xoay quanh các nhóm vấn đề đã được các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn trực tiếp thủ trưởng các sở, ngành nhằm giải quyết tốt hơn những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Thanh Liêm, tổ đại biểu số 4 huyện Kim Động đề nghị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trả lời về Dự án nhà máy gạch ốp lát Vstone tại thị trấn Lương Bằng (Kim Động) triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động, gây lãng phí tài nguyên. Trả lời nội dung này, đồng chí Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Dự án nhà máy gạch ốp lát Vstone đã được nhà đầu tư chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các hộ dân có đất thuộc dự án. Tuy nhiên, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo đó, đơn giá bồi thường, hỗ trợ tăng so với giá bồi thường mà nhà đầu tư đã chi trả nên người dân chưa bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện khiến dự án chậm triển khai trong thời gian dài. Thời gian qua, UBND tỉnh và Sở KH&ĐT đã nhiều lần có văn bản đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án song nhà đầu tư chưa nghiêm túc chấp hành. Trong thời gian tới, Sở KH&ĐT sẽ rà soát các quy định liên quan, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm trong việc tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, đồng chí Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Đã có 6 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng. Các dự án còn lại đang trong quá trình xây dựng hoặc đang triển khai các thủ tục về đất đai đền bù, GPMB. Trong thời gian tới, Sở KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án; cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư. Trong quá trình triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu nhà ở, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; kiểm soát chặt chẽ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở. Đối với các dự án chậm triển khai, không triển khai, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi để lựa chọn chủ đầu tư khác có năng lực thực hiện.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh (Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 6 huyện Khoái Châu) chất vấn: Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu để thực hiện các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đang diễn ra, giải pháp nào để giải quyết vấn đề trên? Đồng chí Trần Minh Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Nhu cầu vật liệu để xây dựng các công trình giao thông rất lớn, nhất là cát để san lấp mặt bằng, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 3 mỏ cát đang có giấy phép hoạt động, do vậy việc cung cấp vật liệu cho các dự án giao thông bị hạn chế. Để giải quyết thực trạng này, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh sớm triển khai công tác đấu giá và cấp phép các mỏ cát đã được quy hoạch; cho phép nâng công suất tất cả các mỏ đang khai thác, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát cam kết cung cấp vật liệu cho các công trình trong tỉnh. Mặt khác thành lập tổ công tác, làm việc với các tỉnh có nguồn vật liệu lớn để cung cấp vật liệu xây dựng dồi dào hơn.
Trong lĩnh vực môi trường, các đại biểu chất vấn một số nội dung liên quan tới ô nhiễm môi trường nước sông, rác thải sinh hoạt, xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, xử lý doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng chí Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, sở tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, doanh nghiệp và công tác phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, phổ biến quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản của Trung ương, của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của sở, duy trì đường dây nóng phản ánh về môi trường, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm. Thời gian tới, ngành Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành để xây dựng chương trình kế hoạch trọng điểm, giải quyết dứt điểm những nội dung, vấn đề nổi cộm, bức xúc về môi trường, đất đai, khai thác tài nguyên.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Nguyễn Văn Công, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 6 huyện Khoái Châu chất vấn: Nghị quyết số 330/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành, nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; chính sách hỗ trợ khi di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết công tác phối hợp với sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện trong việc quy hoạch, bố trí quỹ đất khu vực chăn nuôi tập trung, hướng dẫn các hộ chăn nuôi làm thủ tục di dời và thực hiện các chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi vào khu chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch.
Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã thành lập tổ công tác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, thông tin đến Nhân dân biết về khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành, nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; chính sách hỗ trợ khi di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay 100% các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã có kế hoạch triển khai. Như huyện Văn Giang rà soát xong, các địa phương còn lại đang trong giai đoạn rà soát xác minh. Đến nay, 7/10 huyện, thị xã, thành phố đã quy hoạch đất chăn nuôi xa khu dân cư với tổng số 141 khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, tổng diện tích 1.492 héc-ta.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân của các đại biểu HĐND tỉnh cũng như sự nghiêm túc của thủ trưởng các ngành hữu quan. Đồng chí yêu cầu đối với từng lĩnh vực, từng vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn cần được nhìn nhận thẳng thắn, tập trung giải quyết. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Sở Giao thông vận tải triển khai đẩy nhanh thực hiện các dự án giao thông theo yêu cầu, nghiên cứu đề xuất giải quyết dứt điểm những tồn tại trong giải phóng mặt bằng. Về vấn đề môi trường, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu hệ thống chính trị cần vào cuộc để giải quyết, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để thu gom, xử lý hiệu quả nước thải, rác thải sinh hoạt. Ngành nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đẩy nhanh tiến độ rà soát, nhanh chóng lập kế hoạch di dời các cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp. Các địa phương bố trí quỹ đất để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả. Thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
https://baohungyen.vn/chat-van-va-tra-loi-chat-van-tai-ky-hop-thuong-le-giua-nam-2023-cua-hdnd-tinh-khoa-xvii-3164285.html