Nghệ Khoái Châu được chế biến thành nhiều loại sản phẩm, tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước và xuất khẩu
Từ lâu, nghệ là cây trồng truyền thống của người dân xã Chí Tân. Hiện nay, diện tích trồng nghệ của xã khoảng 165 héc-ta, đây cũng là xã có diện tích trồng nghệ lớn nhất huyện Khoái Châu. Tháng 12, khi gió heo may thổi trên những cánh đồng thì những chùm củ nghệ to tròn, bóng mẩy vùi sâu mình dưới lớp đất. Thời điểm này, khắp trong đồng, ngoài bãi, người dân khẩn trương thu hoạch những lứa nghệ đầu tiên. Mặc dù thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nhưng nhờ có kinh nghiệm nhiều năm thâm canh nghệ, kết hợp với việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất vẫn ổn định, ước đạt từ 900 đến 1.500kg/sào. Hiện nay nghệ củ đầu mùa được thu mua với giá 12.000 – 15.000 đồng/kg, cao hơn gấp hai lần so với năm trước.
Đồng chí Đỗ Bá Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Tân cho biết: Trồng nghệ chi phí thấp, dễ chăm sóc, thu lãi ổn định, mỗi héc-ta đạt sản lượng 27 - 30 tấn, cùng với thu nhập từ trồng xen canh lạc, đỗ sẽ cho tổng mức lãi khoảng 270 triệu đồng/héc-ta, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Chính vì vậy, hiện nay, khoảng 95% - 97% số hộ dân trong xã trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ củ nghệ.
Trước đây, sản phẩm nghệ Chí Tân chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng củ tươi để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Những năm gần đây, thấy được tiềm năng từ củ nghệ, người dân tìm cách chế biến củ nghệ thành các sản phẩm như: Nghệ thái lát sấy khô, bột nghệ, tinh bột nghệ, viên nghệ tẩm mật ong… cung cấp ra thị trường. Hiện nay, trong xã có hơn 20 cơ sở thu mua, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ củ nghệ. Hằng năm, khoảng 40% sản lượng củ nghệ tươi sau khi thu hoạch không bán thô ra thị trường mà được chế biến thành những sản phẩm chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Nghệ Chí Tân được ưa chuộng bởi chất lượng tốt, được các nhà máy sản xuất, chế biến bột nghệ và các loại thuốc từ nghệ thu mua với số lượng lớn. Không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước, hiện nay, các sản phẩm từ nghệ của các cơ sở sản xuất tại Chí Tân đã khẳng định được thương hiệu và có mặt ở thị trường một số nước như: Ấn Độ, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Anh Bùi Xuân Liêm, chủ một cơ sở chế biến nghệ ở thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân cho biết: Gia đình tôi trồng nghệ từ nhiều đời nay. Năm nay, tôi có hơn 1 mẫu, hiện đã thu hoạch xong. Mỗi năm tôi còn thu mua 200 – 300 tấn nghệ củ của người dân trong xã để sản xuất các sản phẩm như: Nghệ khô thái lát, tinh bột nghệ. Mỗi năm, gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ chế biến các sản phẩm từ nghệ; góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Là địa phương nằm ven đê sông Hồng, từ lâu, nhiều hộ dân ở xã Thuần Hưng gắn bó với cây nghệ. Hiện nay, cả xã có khoảng 25 héc-ta trồng nghệ. Anh Nguyễn Phú Phong là một trong những hộ trồng, chế biến và thu mua nghệ nhiều nhất ở xã Thuần Hưng cho biết: Với 2,5 mẫu, năm nay, sản lượng nghệ của gia đình tôi đạt trên 40 tấn củ. Mỗi năm tôi còn thu mua hơn 500 tấn nghệ tươi của người dân trong xã và các xã lân cận để chế biến, tiêu thụ.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu, hiện nay, toàn huyện có khoảng 250 héc-ta trồng nghệ, tập trung ở các xã: Chí Tân, Thuần Hưng, Đại Hưng, Đại Tập… Nghệ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất, ít bị sâu bệnh, không phải mất vốn (giống), thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch trong vòng 1 năm, cho hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch 27 – 30 tấn củ.
Để hỗ trợ người dân, các cấp, các ngành chức năng trong huyện tạo điều kiện cho bà con tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; áp dụng quy trình VietGAP; vay vốn ưu đãi, mua phân bón trả chậm để sản xuất nghệ. Thời gian tới, huyện Khoái Châu tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã quy hoạch vùng sản xuất, phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, đồng thời tìm đầu ra cho củ nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu nghệ Khoái Châu.
https://baohungyen.vn/nghe-khoai-chau-duoc-mua-duoc-gia-3168320.html