Nông dân huyện Văn Giang khôi phục sản xuất hoa, cây cảnh sau bão
“Mất hết rồi, trắng tay rồi!” là lời tiếc nuối trong bất lực của ông Nguyễn Văn Khanh ở xã Đông Tảo (Khoái Châu) khi nhìn vườn bưởi của gia đình bị bão càn quét. Nhìn những quả bưởi nằm lăn lóc khắp khu vườn, ông Khanh không giấu được cảm xúc nghẹn ngào: Năm nay, tuy nhãn mất mùa nhưng bưởi Diễn lại phát triển tốt, quả đẹp. Gia đình tôi vẫn kỳ vọng về một khoản thu khá từ vườn bưởi này. Thế nhưng, bão số 3 đổ bộ đã khiến khoảng 70% số quả trên cây bị rụng. Hiện giờ, gia đình tôi thu dọn vườn, khơi rãnh tiêu thoát nước, cắt tỉa cành gãy và tập trung chăm sóc số quả còn lại trên cây với hy vọng “còn nước, còn tát”.
Trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Đức Hợp (Kim Động) đã chằng chống cẩn thận diện tích trồng chuối chắc chắn nhất có thể. Thế nhưng những cơn cuồng phong như những chiếc máy chém sắc lẹm quật đổ toàn bộ hơn 1 mẫu trồng chuối của gia đình. Anh Thắng ngậm ngùi cho biết: Dự kiến, những buồng chuối này sẽ được tiêu thụ vào dịp cuối năm nay. Dịp trước tết năm trước, những buồng chuối như vậy có giá 180 - 250 nghìn đồng/buồng. Thế nhưng bây giờ, bao công sức chăm sóc đổ sông, đổ biển. Không chỉ thất thu vụ chuối tết mà gia đình tôi còn “âm” vào chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã bỏ ra. Lúc này, tôi chỉ biết động viên gia đình thu dọn ruộng chuối, chọn những buồng có thể bán được để mang đi tiêu thụ, gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy.
Toàn huyện Văn Giang có trên 1 nghìn héc-ta trồng hoa, cây cảnh các loại; trong đó diện tích hoa, cây cảnh sản xuất trong nhà lưới, nhà màng chiếm khoảng 40%. Trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới là loại hình cần đầu tư nhiều nhất. Tính riêng hạ tầng nhà màng, nhà lưới đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng/héc-ta (tùy diện tích và quy mô đầu tư). Do đó, tổn thất của người dân ở vùng trồng hoa, cây cảnh huyện Văn Giang do bão số 3 vừa qua là rất nặng nề. Theo thống kê sơ bộ của huyện, diện tích nhà màng, nhà lưới trồng hoa bị sập, tốc mái, hư hại trên địa bàn khoảng 150 héc-ta; diện tích hoa, cây cảnh có múi bị vỡ chậu, rụng quả, gãy cành khoảng 70 héc-ta; cây ăn quả bị gãy, đổ khoảng 55 héc-ta… Đồng chí Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết: Mặc dù huyện đã chủ động các giải pháp ứng phó với bão số 3 nhưng do sức gió mạnh, cơn bão đã gây thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh của người dân trong huyện. Hiện nay, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại sau bão; hỗ trợ kịp thời các gia đình bị tốc mái, khó khăn về nhà ở; hướng dẫn Nhân dân dọn dẹp đồng ruộng, di chuyển hoa, cây cảnh ra vị trí an toàn tránh nước sông Hồng dâng cao. Huyện yêu cầu 100% các trạm bơm tiêu úng vận hành, tránh để hoa, cây cảnh úng ngập trong thời gian dài, ảnh hưởng đến bộ rễ khiến cây khó hồi phục.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều nhà vườn chuyên sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh “khủng”, độc đáo có giá trị kinh tế cao như: Hoa giấy, trà, hồng ngoại… cũng bị ảnh hưởng nặng. Anh Chử Văn Biên ở xã Phụng Công nhẩm tính: Bão số 3 đi qua làm gãy nhiều cành trà mới uốn, một số cây ăn quả được ương dưỡng để tạo dáng cũng bị bật gốc… Thiệt hại kinh tế của gia đình tôi ước sơ bộ trên 1 tỷ đồng. Bỏ qua thiệt hại trước mắt, lúc này, gia đình tôi khẩn trương di dời cây cảnh vào khu vực trong đê để tránh thiệt hại “kép” khi nước sông Hồng dâng cao.
Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bão số 3 đã gây thiệt hại cho khoảng 14,7 nghìn héc-ta cây trồng của tỉnh; trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nhất là nhóm cây ăn quả, hoa, cây cảnh do đây là nhóm cây trồng có giá trị kinh tế cao, chi phí đầu tư sản xuất lớn. Để bảo vệ diện tích hoa, cây cảnh khu vực sản xuất ven sông, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân nên đôn hoa, cây cảnh lên vị trí cao ráo hoặc di chuyển vào khu vực an toàn; sử dụng máy bơm gia đình tiêu úng khu vực sản xuất, tránh để cây ngập nước lâu gây hỏng rễ. Cây ăn quả đến thời kỳ thu hoạch cần tập trung thu hoạch để dưỡng cây, tránh nhiễm bệnh. Ngoài ra, người dân cần chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại hạt giống, cây giống để sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi, bảo đảm nhu cầu cung cấp cho thị trường, nâng cao thu nhập…
https://baohungyen.vn/khoi-phuc-dien-tich-cay-an-qua-hoa-cay-canh-bi-anh-huong-do-mua-bao-3175400.html