Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra sáng 3/1/2023. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra sáng 3/1/2023 |
Tình hình KTXH phục hồi tích cực
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Nhưng trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội; dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược vaccine, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và từ giữa tháng 3/2022 đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến, kiểm tra thực tiễn, đánh giá tình hình, phát hiện, giải quyết những hạn chế, bất cập.
Đổi mới cách làm, không dàn trải, xác định trình tự ưu tiên, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, tại các địa phương và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh sự nỗ lực xử lý hiệu quả những nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, Nhân dân chờ mong, đòi hỏi ngày càng lớn; vừa ứng phó kịp thời, hiệu quả các vấn đề cấp bách phát sinh diễn biến nhanh, khó lường, khó dự báo; đồng thời phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, khó khăn, nhạy cảm kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, nhất là 6 ngân hàng yếu kém, 8/12 doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú I, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn... Quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh, lành mạnh hoá các thị trường tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản..
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu một số vấn đề mang tính gợi mở thảo luận tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra sáng 3/1/2023 |
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KTXH đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; đạt được mục tiêu tổng quát; đạt và vượt 13 chỉ tiêu, xấp xỉ đạt 1 chỉ tiêu và chưa đạt 1 chỉ tiêu trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Trung ương, Quốc hội giao; có nhiều điểm sáng đáng mừng về quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất, nhập khẩu; xuất khẩu nông sản; thu NSNN; vốn FDI thực hiện; số doanh nghiệp thành lập mới…
Công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm. Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, thông qua 39 đề nghị xây dựng luật, dự án luật và 125 nghị định; tích cực, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Đã cắt giảm, đơn giản hoá 1.041 quy định kinh doanh; chỉ số hài lòng của người dân đạt 87,5%; tập trung hoàn thiện và từng bước phát huy hiệu quả hệ thống dữ liệu dân cư (Đề án 06). Tinh giản bộ máy bên trong, cắt giảm khâu trung gian; trong đó giảm 17 tổng cục, 8 cục, 145 vụ, 22 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, tổng cục, hàng nghìn phòng thuộc bộ, cơ quan, địa phương và tinh giản biên chế đạt mục tiêu đề ra.
Chủ trì và phối hợp tham mưu cho Bộ Chính trị xây dựng, ban hành các Nghị quyết và triển khai các Chương trình hành động về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng trên cả nước. Đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được quan tâm thúc đẩy. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia và đứng thứ 2/36 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng hơn. Các cơ quan trung ương và 63/63 địa phương đã có chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc...
Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh; góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân.
"Có thể nói những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Bên cạnh kết quả đạt được Thủ tướng cũng chỉ rõ, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Vẫn còn 1 chỉ tiêu chưa đạt và 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch; sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác lập quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương còn chậm.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; thanh khoản của một số tổ chức tín dụng yếu kém gặp khó khăn. Sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng, tác động đến việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế chưa được xử lý dứt điểm.
Phản ứng chính sách của một số bộ, ngành để khắc phục hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương còn chậm. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên một số địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức…
Những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Cụ thể như công tác phân tích, dự báo, ứng phó với biến động tình hình có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa một số bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật...
Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra những bài học quan trọng, trong đó phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Theo dõi sát, nắm chắc tình hình thực tiễn, bình tĩnh, sáng suốt; không chủ quan khi đạt kết quả, không bi quan khi gặp khó khăn, thách thức; phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; chủ động có các phương án, kịch bản, chương trình, kế hoạch cụ thể, thực hiện từng bước chắc chắn, bài bản, lớp lang, khoa học, hiệu quả.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị; luôn cầu thị, học hỏi, khiêm tốn, lắng nghe.
Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hoá và đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
"Nói là làm, cam kết phải thực hiện"
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình KTXH, đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng của đất nước ta.
Thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được.
Tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu, các đại biểu thảo luận, làm rõ, thống nhất nhận thức và triển khai thực hiện hiệu quả trong năm 2023. Trong đó nhấn mạnh, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm thế nào để thực hiện hiệu quả quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả kết hợp với chính sách tài khoá mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, bảo đảm phù hợp với tình hình mới của năm 2023?
Sự phối hợp giữa các công cụ chính sách sao cho bảo đảm được sự cân bằng hài hoà, hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa tỷ giá và lãi suất, cán cân thương mại, cán cân thanh toán?
Các giải pháp bảo đảm sự ổn định, an toàn các thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đã phù hợp chưa?
Trước tình hình tăng trưởng kinh tế chững lại từ quý IV/2022, chúng ta phải làm gì để tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề vi mô, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường huy động các nguồn lực, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội?
Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra phải tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các bộ, ngành, địa phương cần phải quyết tâm hành động cụ thể như thế nào để thực sự mang lại hiệu quả và thúc đẩy phát triển?
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tạo nền tảng cho nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN độc lập, tự chủ, hội nhập thực chất, toàn diện, sâu rộng. Cần phải có giải pháp, cách làm mới như thế nào để tạo chuyển biến thực chất, hiệu quả hơn?
Hay cần có tư duy, cách làm, giải pháp thế nào để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm các công trình giao thông trọng điểm, nhất là các tuyến cao tốc; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng đô thị, văn hóa, xã hội; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, hợp tác công tư? Cần có phương pháp, cách làm thế nào để đẩy nhanh hoàn thành phê duyệt các quy hoạch; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển 6 vùng KTXH?...
Trong tình hình mới, chúng ta cần phải có chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện thế nào để thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi chưa có nguy cơ?
Thủ tướng khẳng định hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sâu sát thực tiễn, Thủ tướng đề nghị đề nghị các đại biểu, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành quan tâm dành thời gian nghiên cứu, phát biểu ngắn gọn, tập trung đóng góp vào các báo cáo và dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ./.
https://baohungyen.vn/chinh-tri/202301/thu-tuong-ket-qua-nam-2022-chung-minh-su-chung-suc-dong-long-74116ad/