Phong trào Thanh niên "Ba sẵn sàng" của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn (tháng 8/1964), sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: TTXVN.
Ngày 27/3/1948, trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc với mục đích: “Làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Để Chỉ thị được phổ biến đến toàn quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Được thể hiện súc tích trong 427 từ, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc đã khơi nguồn và mở ra phong trào hành động thiết thực trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến kiến quốc.
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nêu rõ mục đích “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, hướng tới mục đích liên kết mọi giai tầng trong xã hội cùng đoàn kết, thi đua. Những nội dung thi đua của Người nhằm thực hiện “Dân tộc độc lập; Dân quyền tự do; Dân sinh hạnh phúc”.
Theo GS, TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, không phải ngẫu nhiên Lời kêu gọi Thi đua ái quốc được ra đời vào ngày 11/06/1948, đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho một sự kiện đặc biệt, trong hoàn cảnh đặc biệt, để công bố vào một thời điểm đặc biệt.
GS, TS Mạch Quang Thắng
“Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc là khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1948, đất nước lúc bấy giờ cần thêm sức mạnh mới. Bởi vì sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đất nước rất yếu về vật chất, chưa có sự ủng hộ của các nước trên thế giới, yếu về thực lực quốc phòng... cho nên cần thêm sức mạnh. Cần thêm sức mạnh ở đây không có gì khác bằng nội lực của chúng ta. Cho nên Đảng và Bác Hồ đã bắt đầu chủ trương phải phát động phong trào thi đua yêu nước và Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, GS.TS Mạch Quang Thắng cho biết.
Hưởng ứng lời kêu gọi, phong trào thi đua yêu nước đã bùng lên sôi nổi và rộng khắp toàn quốc. Nhiều phong trào thi đua tạo dấu ấn mạnh mẽ như những ngọn cờ Ba Nhất, Đại Phong, Duyên Hải; các phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Nhà trường hai tốt”… đã tạo khí thế mới, xung lực mới trong xây dựng CNXH ở miền Bắc và kháng chiến cứu nước ở Miền Nam.
Phong trào thi đua yêu nước phát triển sôi nổi, rộng khắp trên phạm vi cả nước. Trong ảnh: Thi đua lao động sản xuất trên công trình Đại thuỷ nông Bắc – Hưng - Hải, một trong những ngọn cờ thi đua trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ảnh: TTXVN
Thực tế chỉ một thời gian ngắn sau, phong trào đã thấm sâu vào cuộc sống, trong những việc làm hàng ngày, trở thành nếp sống mới của nhân dân, từ đó đã xuất hiện những anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua toàn quốc.
Bà Phạm Thị Vách, người phụ nữ quê Hưng Yên được Bác Hồ tặng danh hiệu Anh hùng lao động khi mới 22 tuổi có thành tích gắn liền với “Đại thủy nông Bắc Hưng Hải” lớn nhất miền Bắc 67 năm trước. Công trình thủy lợi đã đem lại lợi ích hàng trăm năm cho cả một vùng đồng bằng rộng lớn.
Bà Phạm Thị Vách nhớ lại: “Bấy giờ khi có Lời kêu gọi của Bác Hồ, giữa năm có phong trào, đội nọ thi đua đội kia. Thi đua bình thường ngày 5 khối, ngày 3 khối. Làm từ 7h sáng cho đến 9h đêm mới về. Tôi công tác ở xã làm Chủ nhiệm 3 năm; làm Bí thư, Chủ tịch 10 năm, xong đi thoát ly 17 năm ở huyện. Suốt thời gian công tác, tư tưởng sẵn sàng, dù gia đình khó khăn, tôi bơi qua Sông Hồng đi làm nhưng không bao giờ nhỡ việc”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “thi đua tức là yêu nước” và “những người thi đua là những người yêu nước nhất”, thi đua không chỉ là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hàng ngày mà còn là biểu hiện của lòng yêu nước, thông qua các hoạt động trong lao động, sản xuất và chiến đấu. Bởi vậy, giá trị xuyên suốt, cốt lõi của Lời kêu gọi Thi đua ái quốc chính là chủ nghĩa yêu nước.
PGS, TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Thi đua ái quốc cũng là yêu nước. Tư tưởng đó của Bác đã truyền cảm hứng cho toàn dân tộc trong sự nghiệp chống xâm lược. Có thể nói, tất cả thắng lợi của cách mạng Việt Nam có nguyên nhân căn cốt, cơ bản đó chính là tinh thần, khí thế, cảm hứng thi đua yêu nước. Giá trị đó không chỉ có ý nghĩa trước đây mà đặc biệt, tư tưởng thi đua yêu nước của Bác trở thành triết lý nhân văn, triết lý hành động. Những thành công trong đổi mới hiện nay phải khẳng định rất cơ bản là nhờ tinh thần yêu nước của toàn dân”.
PGS.TS Lê Quốc Lý
Có thể khẳng định, trong bất cứ thời điểm nào, những chỉ dẫn của Người về thi đua luôn vẹn nguyên giá trị, luôn là nguồn cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sáng tạo, làm nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới. PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Kỷ niệm 75 năm “Lời kêu thi đua gọi ái quốc” là dịp để chấn chỉnh, kiểm tra, giá sát, đánh giá đúng để không có câu chuyện “chạy thi đua”, “chạy thành tích”.
“Nhận diện, nếu làm đến nơi đến chốn và kiểm soát kỹ càng và kết quả thi đua ấy phải ra kết quả gì, sản phẩm gì, chứ không phải thứ chung chung, không phải những báo cáo trên giấy. Phải thấy đem lại cho tập thể những gì? đem lại cho nhân dân những gì? Một địa phương nói thi đua tốt thì địa phương đó phải giàu lên, phải phát triển lên, nhân dân phải phấn khởi hơn, xã hội không có tội phạm, tệ nạn, không còn người nghèo. Thi đua cá nhân điển hình, có những người được thành tích suất sắc mà tập thể đó ì ạch, vẫn kém, không có gì thay đổi thì đều là hình thức”, PGS.TS Lê Quốc Lý chia sẻ.
75 năm qua, phương châm gắn thi đua với yêu nước đã được thực hiện, trở thành một phương thức lãnh đạo hết sức sáng tạo, độc đáo của Đảng, nhằm nhân lên sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn của dân tộc. Tiếp tục duy trì và phát triển các phong trào Thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu mỗi người cần ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tốt nhất cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc./.
https://baohungyen.vn/tin-moi/202306/nhung-chi-dan-cua-bac-ve-thi-dua-ai-quoc-van-mang-tinh-thoi-su-sau-sac-1b702fe/