Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu gõ búa thông qua Nghị quyết. (Ảnh: MINH DUY)
Đánh giá về Nghị quyết vừa được UNESCO thông qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp cho biết việc tổ chức UNESCO vinh danh danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của cá nhân Danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời,” là những giá trị mà tổ chức này đang thúc đẩy.
Nghị quyết được toàn thể thành viên UNESCO thông qua là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.
Tham dự phiên họp và chứng kiến thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO gõ búa thông qua Nghị quyết còn có Thứ trưởng Thường trực Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà; Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO; đại diện tỉnh Hưng Yên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Thứ trưởng Thường trực Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Danh y Lê Hữu Trác là một nhân vật lịch sử đã để lại kho tàng giá trị to lớn trong lĩnh vực y học, văn hóa và giáo dục. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” “tôn sư trọng đạo,” việc chúng ta xây dựng hồ sơ và đệ trình tổ chức UNESCO càng thêm ý nghĩa khi Nghị quyết vinh danh danh y Lê Hữu Trác được thông qua vào đúng dịp cả nước đang kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngành y tế đang hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 vào năm 2024 - tròn 300 năm ngày sinh của danh y.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà chia sẻ: Đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hưng Yên - quê hương của Danh y mà còn của toàn thể người dân Việt Nam. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) là một đại danh y, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” - bộ sách được coi là “Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại và còn nguyên giá trị đến hiện tại.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho biết: Hồ sơ đề cử của Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí do UNESCO đề ra, đặc biệt là phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin-truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Thường trực Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà; Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO; đại diện tỉnh Hưng Yên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. (Ảnh: KHẢI HOÀN)
Như vậy, đến nay, tổ chức UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các cá nhân tiêu biểu của Việt Nam như kỷ niệm 600 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Trãi (1980); 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990); 250 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Du (2015); 650 năm Ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019); 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021); 250 năm Ngày sinh, 200 năm Ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (2021) và 300 năm Ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023).
Đây là kết quả của việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Đây cũng là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế.
Đến nay, UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các cá nhân tiêu biểu của Việt Nam như kỷ niệm 600 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Trãi (1980); 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990); 250 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Du (2015); 650 năm Ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019); 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (2021); 250 năm Ngày sinh, 200 năm Ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (2021) và 300 năm Ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023).
Theo KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp
https://baohungyen.vn/nam-2024-unesco-se-ky-niem-300-nam-ngay-sinh-cua-danh-y-hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac-3167705.html