Người “giữ lửa” nghệ thuật hát chèo truyền thống
Đã 77 tuổi nhưng Nghệ nhân ưu tú Đỗ Văn Lên, ở thôn Lạc Thủy, xã Đông Kết (Khoái Châu) không ngừng trau dồi, học hỏi và miệt mài truyền dạy, thắp lên ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật chèo cho thế hệ sau, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
|
Nghệ nhân ưu tú Đỗ Văn Lên - Người “giữ lửa” nghệ thuật chèo truyền thống ở xã Đông Kết (Khoái Châu) |
Đến thăm Nghệ nhân ưu tú Đỗ Văn Lên vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh, song chúng tôi thấy ấm lòng khi nghe ông bộc bạch về những đam mê với nghệ thuật hát chèo và nỗi niềm đau đáu về việc giữ gìn, lan tỏa làn điệu dân tộc tới thế hệ trẻ.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông Lên được nghe những chương trình hát chèo trên đài rồi được đi nghe hát chèo sân đình, và tình yêu đó cứ ngấm dần, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với ông. Ông tham gia đội văn nghệ của xã và được học hát, cách lấy hơi, nhả chữ đến cách luyến láy sao cho vang, rền, nền, nảy đúng điệu hát chèo…
Năm 1965, ông nhập ngũ và trở thành hạt nhân chính trong phong trào văn nghệ của đơn vị. Ông được đơn vị cử đi học về sáng tác, biểu diễn các điệu hát chèo... và cùng với đồng đội đi nhiều nơi để biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ các chiến sỹ. Những bài hát chèo động viên tinh thần chiến đấu đã góp phần giúp ông và các đồng đội vượt qua gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Năm 1973, trở về quê hương, ông được giao nhiệm vụ cùng đội văn nghệ của xã dàn dựng và biểu diễn các vở chèo cổ phục vụ Nhân dân. Năm 1999, thôn Lạc Thủy thành lập đội văn nghệ do ông làm đội trưởng. Đội văn nghệ sau đổi tên là Chiếu chèo Lạc Thủy và duy trì hoạt động cho đến nay.
Trong hoạt động nghệ thuật, ông tự mày mò nghiên cứu sáng tác những tác phẩm chèo, viết kịch bản và dàn dựng chương trình để chiếu chèo của thôn đi biểu diễn trong các hội diễn và giao lưu với các địa phương khác. Tác phẩm do ông sáng tác về các chủ đề như: Mừng Đảng, mừng Xuân, ca ngợi Bác Hồ; xây dựng nông thôn mới… Chiếu chèo Lạc Thủy do ông góp công xây dựng và duy trì đã đạt được nhiều thành tích, khen thưởng của các cấp, các ngành.
Tính đến thời điểm này, Nghệ nhân ưu tú Đỗ Văn Lên đã có gần 60 năm gắn bó với nghệ thuật hát chèo, nắm vững hàng trăm làn điệu chèo và tích cực truyền dạy môn nghệ thuật này cho những người yêu thích...
Miệt mài hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Với tâm nguyện gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của văn hóa thờ Mẫu, Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Dục (sinh năm 1946) ở thôn Vân Mạc, xã Vân Du (Ân Thi) miệt mài hoạt động, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong suốt gần 40 năm qua.
|
Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Dục, xã Vân Du (Ân Thi) |
Từ khi còn trẻ, bà Lê Thị Dục đã say mê tìm hiểu nghệ thuật tín ngưỡng thờ Mẫu. Quá trình tu dưỡng, rèn luyện với sự thành tâm, khát vọng vươn tới cái đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành động lực giúp bà vượt lên khó khăn trong cuộc sống để thành công.
Là một trong những cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực thực hành tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ nhân Lê Thị Dục luôn tâm niệm để giữ gìn nét đẹp của đạo Mẫu và nghi thức hầu đồng thì đạo đức của người đồng thầy là điều quan trọng nhất. Người thanh đồng phải giữ gìn đạo đức, nâng cao ý thức bảo tồn, tôn vinh đạo Mẫu không để bị biến tướng. Trải qua thời gian dài thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và nhờ nắm vững nghi lễ, phép tắc thực hành, nghệ nhân Lê Thị Dục đã truyền dạy cho nhiều người. Bà luôn chỉn chu trong mỗi vấn hầu, từ trang phục đến cung văn, vũ đạo luôn bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính, thể hiện đúng giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị Thánh, Mẫu, tái hiện lại hình ảnh oai hùng của các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nghệ nhân Lê Thị Dục chia sẻ: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại. Đồng thời, sự vinh danh này làm cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc, tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.
Bên cạnh tích cực trong hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân Lê Thị Dục thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện tại địa phương. Bà cùng gia đình tích cực tham gia công đức xây dựng, tôn tạo đình, đền, miếu trên địa bàn xã Vân Du, qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của địa phương.
Tình yêu nghệ thuật dân gian
Đến thăm nghệ nhân Vũ Ngọc Việt (sinh năm 1949) ở thôn Triều Dương, xã Hải Triều (Tiên Lữ) khi ông mới vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ đầy những hình ảnh lưu giữ về những chương trình biểu diễn, ông Việt xúc động bày tỏ: Trong suốt chặng đường mấy chục năm đam mê nghệ thuật dân gian, gắn bó với những làn điệu chèo, ca trù, trống quân, chầu văn…, tôi có những tác phẩm soạn lại theo dòng chảy của cuộc sống. Tôi không nghĩ có ngày mình lại được vinh danh là Nghệ nhân ưu tú, tôi rất vui và xúc động.
|
Nghệ nhân ưu tú Vũ Ngọc Việt ở thôn Triều Dương, xã Hải Triều (Tiên Lữ) |
Lúc nhỏ, ông Việt có cơ hội được xem đoàn chèo Long Hưng (tỉnh Hải Hưng cũ) biểu diễn tại quê nhà và được các nghệ nhân trong đoàn truyền dạy. Năm 1967, khi nhập ngũ, ông trở thành cây văn nghệ “lấy tiếng hát át tiếng bom” của đơn vị. Năm 1976, sau khi phục viên trở về địa phương, ông Việt được bầu làm đội trưởng đội văn nghệ xã Hải Triều, được cử đi học lớp bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Hưng, từ đó ông càng hăng say biên soạn, đạo diễn, trình diễn tại các chương trình văn nghệ của địa phương và các cơ quan, đơn vị trong huyện, trong tỉnh.
Với trách nhiệm, cùng niềm đam mê các làn điệu dân gian, ông Việt luôn ý thức xây dựng, củng cố phong trào văn hoá, văn nghệ của địa phương. Ai muốn học làn điệu nào ông cũng luôn sẵn lòng truyền dạy rất nhiệt tình. Ông cũng tích cực sáng tác, biên soạn những tác phẩm với nội dung chủ yếu ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh… Các tác phẩm do ông sáng tác luôn được người dân địa phương đón nhận, nhiều lần được giải cao trong các hội thi, liên hoan văn nghệ trong tỉnh và toàn quốc. Cá nhân ông nhiều lần được nhận bằng khen, kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, dù không qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nhưng khi đứng trên sân khấu, Nghệ nhân ưu tú Vũ Ngọc Việt vẫn cháy hết mình vì nghệ thuật truyền thống. Tiếng trống chèo, điệu hát ca trù, trống quân… của ông đã trở thành giai điệu quen thuộc trong tâm thức của những người dân yêu thích nghệ thuật dân gian truyền thống ở Hải Triều.
https://baohungyen.vn/van-hoa/202301/nhung-nghe-nhan-uu-tu-xu-nhan-84f1609/