Từ những viên gạch đầu tiên Người xây dựng cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, giờ đây báo chí nước ta đã phát triển mạnh mẽ. Và những lời căn dặn của Người vẫn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động báo chí của nước ta, đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của những người làm báo cách mạng Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Nhà báo lớn Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội. Trong quá trình tìm đường giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, tiếp cận tác phẩm của Lênin, Người tâm đắc câu nói vị lãnh tụ lỗi lạc phát biểu từ đầu thế kỷ XX: “cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị... Không có tờ báo thì không thể tiến hành hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động có nguyên tắc và toàn diện...”.
Chính vì vậy, cuối năm 1917, tuy vốn ngôn ngữ chưa đủ để viết báo nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Bác đã tự học tiếng và học làm báo. Từ những mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, Bác viết thành các bài có chủ đề lớn, tập trung.
Ngày 28/6/1919, hội nghị các nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất khai mạc tại Versailles. Thay mặt những Việt kiều, Bác viết và gửi đến hội nghị bản yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam. Đây cũng là bài viết nổi tiếng đầu tiên của Bác được cơ quan ngôn luận Đảng Xã hội Pháp đăng dưới nhan đề Quyền các dân tộc. Trong bài này, Người đã đưa ra 8 yêu sách thiết thực, đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền độc lập tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, trong đó có cả quyền tự do tư tưởng và tự do báo chí...
|
Năm 1921, để tập hợp các lực lượng cùng chí hướng, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Hội ra tờ báo "Người cùng khổ" (Le Paria) làm cơ quan ngôn luận. Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ bút, vừa là phóng viên, vừa là người biên tập chính. Báo "Người cùng khổ" phát hành trong những năm 1922 -1924, kêu gọi và tổ chức các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Năm 1921, Bác cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922. Bác trở thành trụ cột của tờ báo.
Ngoài tờ “Người cùng khổ”, Bác còn viết cho nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp nữa. Theo thống kê chưa đầy đủ, Bác đã trực tiếp sáng lập và tham gia sáng lập hàng chục tờ báo. Ngoài “Người Cùng Khổ” (1922); Việt Nam Hồn (1923), “Quốc tế Nông dân” (1924); còn có nhiều tờ báo như:
Ngày 21/6/1925, Bác đã sáng lập báo Thanh niên, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận cho tờ báo này.
|
Tháng 6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp Huấn luyện chính trị, ra Báo Thanh niên, truyền giảng cho đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên của Việt Nam những nội dung cơ bản của học thuyết Mác - Lênin, để chuẩn bị cho sự ra đời một chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam. Trong ảnh: Ngôi nhà số 13/1, nay là số 248-250, đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nơi Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam từ năm 1925 - 1927. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát |
Tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam.
Tháng 2/1927, báo Lính Kách Mệnh.
Năm 1930, Bác sáng lập tạp chí Đỏ, xuất bản ngày 5/8/1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng như Búa Liềm, Tranh Đấu, Tiếng nói của chúng ta...
Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập.
Năm 1942, Bác chỉ đạo sáng lập báo Cứu Quốc nhằm tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân. Kể từ ngày báo Nhân dân ra số đầu tiên (11/3/1951), Bác đã có 28 năm gắn bó với tờ báo này. Người đã viết hàng trăm bài báo cho báo Nhân Dân để chỉ đạo, tuyên truyền đường lối cách mạng.
|
Cuốn “Đường Kách mệnh” tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện chính trị các thanh niên yêu nước Việt Nam trong những năm 1925-1927. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát |
Như vậy, tính từ bài báo đầu tiên “nhỏ như bao diêm” đăng trên tờ báo Đời sống thợ thuyền năm 1917 ở Pháp đến bài báo sau cùng mà Bác viết là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nich-xơn” (Báo Nhân dân, ngày 25/8/1969) (có tài liệu ghi là bài "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng", ký tên T.L, đăng trên báo Nhân dân ngày 1/6/1969), Bác đã có một sự nghiệp làm báo kéo dài 52 năm.
Bác đã để lại một di sản báo chí lớn với hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký… thể hiện qua hơn 170 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hán…
Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam
|
Cuốn sách "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1921-1925, đăng tải lần đầu tiên tại Paris (Pháp) trên Báo Imprékor của Quốc tế Cộng sản. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát |
Không chỉ là người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam, là tác giả của một khối lượng không nhỏ các bài báo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác còn có những lời chỉ dạy sâu sắc về nghề báo, người làm báo.
Nói về làm báo và viết báo, Bác cho rằng: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương” (Trả lời phỏng vấn báo chí năm 1946). Và “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, năm 1947).
Đặc biệt, Bác luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Trong kháng chiến chống Pháp, với những cán bộ, học viên vào học lớp viết báo đầu tiên năm 1949, Bác dạy bảo: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc” (Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949).
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò nữ phóng viên Tuệ Oanh của Việt Nam Thông tấn xã về cách viết tin trong dịp đưa tin cuộc bầu cử Quốc hội khóa III (26/4/1964). Ảnh: Tư liệu TTXVVN |
Bác căn dặn các nhà báo: Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” (Phát biểu tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959), “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (Phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962). Vì “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh...” (Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, năm 1965)...
Và “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Bác cũng yêu cầu cán bộ báo chí phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén nó giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm.” Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ”.
Bác nhấn mạnh: viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy.
Bác còn dạy, thông tin trong tác phẩm báo chí phải “chân thực, chính xác,” phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc, “không được bịa ra, không nêu nói ẩu;” “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết;” bài báo phải có bố cục “ngắn gọn;” ngôn ngữ “trong sáng, giản dị, dể hiểu,” “viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ”...
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5/1968). Ảnh: TTXVN |
Bác nhắc nhở: “Muốn viết báo thì cần:
1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người.
3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu.
Nhắc lại những lời dạy thiêng liêng của Bác nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam để thấy rằng, trải qua các giai đoạn của cách mạng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác đều nghĩ đến báo chí, tác động của báo chí. 97 năm trôi qua, báo chí cách mạng đã lớn mạnh, phát triển không ngừng. Nhưng dù với công nghệ nào thì những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí vẫn còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam cho hoạt động báo chí nước nhà.
https://baohungyen.vn/chinh-tri/202206/chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-thay-vi-dai-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-01c3a31/