Nước rút “làm đẹp” cho cây
Huyện Văn Giang hiện có gần 350ha trồng các loại cây cảnh có múi. Dự kiến trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nông dân trong huyện sẽ cung ứng ra thị trường khoảng từ 1,2 -1,5 triệu cây cảnh các loại cây cảnh như: quất, bưởi, cam. Thời điểm này, các nhà vườn trên địa bàn huyện đang tích cực gò thế, tạo dáng cho cây quất cảnh. Các dáng cây truyền thống được các nhà vườn ưu tiên tỉa cành, tạo dáng như: Dáng quất thế, quất lùm mâm xôi, quất dáng hình tháp; đặc biệt một số ít nhà vườn tỉ mỉ hơn khi gò thế cây thành lọ lục bình.
Mỗi ngày, thợ gò quất cảnh được chủ vườn trả công từ 350.000 - 400.000 đồng/người
Xã Liên Nghĩa là địa phương trồng quất cảnh “có tiếng” của huyện Văn Giang với diện tích trên 80ha. Những ngày này, trên các cánh đồng, nông dân đang hối hả, khẩn trương trong từng công đoạn nhằm tạo ra những cây quất có dáng, thế đẹp, độc đáo, phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Để cây quất có dáng thế, mẫu mã chín đẹp đúng vào dịp Tết, thì giai đoạn gò cây là thời điểm quan trọng nhất, có tính chất quyết định cho chất lượng quả, thế cây sau này. Vì vậy, ngoài vun, xới, tưới nước thường xuyên, thời điểm này nông dân đang tập trung gò, uốn tạo thế cho cây.
Anh Đinh Đức Đại ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa cho biết: “Gia đình tôi trồng gần 3 mẫu quất cảnh. Công việc chăm sóc quất được thực hiện từ đầu năm nhưng đến đầu tháng 9 âm lịch tôi bắt đầu gò để tạo dáng cây, đồng thời cắt tỉa cành, quả xấu”.
Từ lâu, nghề trồng quất cảnh đã gắn bó với nông dân xã Hoàn Long (Yên Mỹ). Với diện tích gần 30 mẫu, cây quất cảnh trở thành loại cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Nghề trồng quất rất vất vả, tốn nhiều công chăm sóc nên người trồng phải tâm huyết thì mới có được cây quất đẹp.
Anh Trần Văn Thảo, chủ vườn quất cảnh ở thôn Hòa Mục, xã Hoàn Long cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào trồng khoảng 500 cây quất cảnh. Nghề trồng quất cảnh vất vả quanh năm, nhất là vào giai đoạn “nước rút” tạo dáng, cắt tỉa để cho cây có thế đẹp, quả phân bố đều khắp. Thông thường khi quả trên cây đã phát triển ổn định thì tôi bắt đầu gò thế”.
Thợ gò quất cảnh “chạy sô” không hết việc
Mùa gò thế cây quất cảnh thường kéo dài khoảng 2 tháng. Các nhà vườn có diện tích lớn, lao động gia đình không làm kịp thì bắt buộc phải thuê thợ gò. Thợ gò quất thuê lành nghề được chủ vườn trả công cao, từ 350.000 - 400.000 đồng/ngày/lao động.
Gia đình anh Đinh Đức Đại ở xã Liên Nghĩa (Văn Giang) hiện trồng gần 4.000 cây quất cảnh. Anh Đại cho biết: “Để kịp thời vụ, gia đình tôi phải thuê 14 thợ chuyên gò cây quất cảnh làm việc liên tục với ngày công 400.000 đồng/thợ/ngày”.
Xã Liên Nghĩa hiện có gần chục đội chuyên đi gò quất thuê với hàng trăm thợ lành nghề. Anh Đỗ Văn Bách ở thôn Phi Liệt có hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết: “Cứ qua Rằm tháng Tám là các chủ vườn đã liên hệ với chúng tôi để đặt lịch. Đội chúng tôi hiện có trên 10 thợ. Do chủ yếu nhận các vườn quất có diện tích lớn với số lượng hàng nghìn cây trở lên nên chúng tôi phải làm so le các vườn để bảo đảm kịp thời vụ”.
Anh Vũ Văn Tĩnh ở xã Hoàn Long (Yên Mỹ), một thợ chuyên tạo dáng cho cây quất cảnh chia sẻ: “Để gò hoàn thiện cho một cây quất loại vừa và nhỏ phải mất khoảng 1,5 - 2,5 giờ đồng hồ mới làm xong. Còn với những cây quất to, cao khoảng 2m thì có khi phải gò cả ngày mới được 2 cây. Đặc biệt, khi gò những cây quất, quýt cao từ 2 - 3m, có tán rộng theo dáng lục bình, người thợ gò lành nghề cũng phải mất từ 3 – 4 ngày mới hoàn thiện. Song những cây quất có dáng thế “độc, lạ” như vậy không phải thợ gò nào cũng làm được”.