Gà Đông Tảo – đặc sản “tiến vua”
Cứ mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán, không chỉ người tiêu dùng trong tỉnh mà nhiều khách hàng ngoài tỉnh lại về Hưng Yên để tìm mua gà Đông Tảo làm quà đón xuân. Những chú gà với thân hình to lớn và cặp chân “khổng lồ” đã trở thành sản phẩm đặc sản của tỉnh mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Đến xã Đông Tảo (Khoái Châu), “thủ phủ” của giống gà “tiến vua” quý hiếm vào những ngày giáp Tết, khách đến tìm mua gà ngày càng nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đông Tảo cho biết: Chỉ tính riêng thị trường Tết Nguyên đán, xã Đông Tảo dự kiến cung cấp 30.000 con gà thương phẩm và 5.000 con gà làm quà biếu. Hiện, gà thịt loại 1 có giá 300.000 đồng/kg, loại 2 có giá 220.000 – 250.000 đồng/kg. Đối với những con gà đẹp, chân to, dùng làm quà biếu, tặng, giá dao động từ 2 – 5 triệu đồng/con. Cá biệt những con gà chân khủng, mẫu mã đặc sắc có giá cả chục triệu đồng.
Chuối tiêu hồng Khoái Châu
Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đến gần, những ngày này nông dân huyện Khoái Châu đang hối hả bước vào vụ thu hoạch chuối phục vụ thị trường Tết. Chuối được người dân thu hoạch quanh năm nhưng càng gần Tết, không khí thu mua chuối trên các cánh đồng càng nhộn nhịp.
|
Nải chuối tiêu hồng là một loại quả không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên ngày tết |
Cây chuối được trồng ở khắp các vùng quê nhưng chuối tiêu hồng Khoái Châu là nổi tiếng hơn cả. Quanh năm đón nhận làn gió mát lành từ sông Hồng cùng dòng phù sa màu mỡ khiến quả chuối trên đất Khoái Châu có mẫu mã đẹp, giữ được sắc vàng tươi khi chín, hương vị ngọt thơm.
Theo thống kê, năm 2017, diện tích chuối toàn huyện Khoái Châu đạt 823 ha, trong đó chuối tiêu hồng 359 ha. Hiện nay chuối tiêu hồng đang giai đoạn phát triển quả, cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán 2018. Sản lượng chuối toàn huyện ước đạt 37.000 tấn, giá trị thu được ước 296 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của các nông hộ, cây chuối tiêu hồng tuy dễ trồng nhưng để có buồng chuối đẹp, thu hoạch đúng dịp Tết đòi hỏi người trồng phải bỏ nhiều công. Ngoài bón phân, tỉa lá, chằng dây, bọc bao nilon chắn gió rét… thì khâu chọn cây giống và thời điểm trồng là quan trọng nhất để chuối ra buồng và thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán.
Mứt táo làng Vị, mứt bí thôn Dâu
Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu tháng 11 âm lịch, không khí làng Vị, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) lại tấp nập cảnh mua bán các loại mứt táo phục vụ Tết cổ truyền.
|
Chế biến mứt bí tại thôn Dâu, xã Cẩm Xá (Mỹ Hào) |
Loại táo thường dùng làm mứt là loại táo lê, quả chín đều, tươi ngon. Công đoạn chế biến vô cùng cầu kỳ: Sau khi đục hạt và châm vỏ, táo được luộc qua ở nhiệt độ 70 độ C. Sau khi vớt ra, để ráo, người thợ ngâm táo với đường khoảng 24h rồi cho vào nồi nấu với nước đường khoảng 15 phút, để nguội. Công đoạn nấu nước đường được lặp lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 24h. Ở giai đoạn cuối cùng, táo được vớt ra cho lên phên, rồi cho vào lò sấy thành mứt thành phẩm. Táo thành phẩm làng Vị luôn bảo đảm có màu vàng óng, ăn có độ dẻo và ngọt thanh.
Thôn Dâu, xã Cẩm Xá (Mỹ Hào) là một trong những địa phương có truyền thống làm mứt Tết ở Hưng Yên. Năm nay, cả thôn có khoảng 7 hộ làm nghề. Vào mỗi dịp Tết, trung bình mỗi cơ sở xuất xưởng từ 30 - 70 tấn mứt các loại.
Chia sẻ về bí quyết làm mứt, ông Phạm Đức Thuận, chủ một cơ sở làm mứt cho biết: “Để có được những miếng mứt thơm ngon, khi ăn ngậy, cầm trên tay không bị ướt thì khâu đầu tiên và quan trọng nhất là phải sử dụng nguyên liệu bảo đảm ATVS thực phẩm. Bí quả, cà rốt được gọt vỏ sạch sẽ sau đó thái miếng rồi ngâm trong nước vôi loãng cho mứt trắng, giòn. Tiếp đến phải rửa sạch từ 3- 5 nước rồi mang luộc và đem phơi, sau đó luộc lại lần nữa. Công đoạn cuối cùng là muối đường trong thời gian từ 5 - 6 giờ và phải muối bằng loại đường trắng, có chất lượng thì mứt thành phẩm mới giữ được màu trắng trong”.
Giò, chả thôn Trai Trang
Từ lâu, giò chả đã trở thành món ăn truyền thống, đặc biệt là vào những ngày giỗ, tết, lễ, hội,... của người Việt Nam. Đến thăm làng nghề giò, chả thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) trong những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận được không khí nhộn nhịp, tất bật của các hộ gia đình làm giò, chả nơi đây. Tiếng máy xay thịt như những “giai điệu” viết riêng cho làng nghề Trai Trang.
Ông Nguyễn Trần Hào, một trong những hộ gia đình làm giò, chả có tiếng ở thôn Trai Trang cho biết: “Gia đình tôi làm nghề giò, chả được hơn 30 năm nay. Nguyên liệu làm hàng phải nguyên chất, không pha trộn. Trang thiết bị bằng đồ inox, chạy điện chứ không giã thủ công như trước. Trước và sau khi làm, đồ dùng đều được rửa sạch, lau khô tránh vi khuẩn bám vào khiến giò, chả nhanh hỏng, ôi thiu”.
Tiếng lành đồn xa, người này quảng bá cho người kia, vùng này quảng bá cho vùng kia, giò chả ở Trai Trang được khách hàng khắp nơi tự nghe tiếng rồi đến đặt mua. Nhiều người dân đến mua mua giò, chả gửi cho người thân ở nước ngoài.
Trung bình, mỗi ngày gia đình ông Hào cung cấp cho thị trường trên dưới 1 tạ giò, chả, vào dịp Tết thì vài tạ/ngày. Riêng khoảng 15 ngày dịp Tết, trung bình mỗi hộ thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Ông Ngô Quang Thiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Mỹ cho biết: “Hiện tại thôn Trai Trang có hơn 40 hộ làm nghề giò, chả. Các hộ làm nghề đều tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. “Sản phẩm sạch” là “kim chỉ nam” mà các hộ sản xuất giò, chả lấy đó để phát triển, mở rộng, nâng cao chất lượng, thương hiệu làng nghề. Các hộ sản xuất giò, chả đều có chung một suy nghĩ là phải giữ cho được chữ tín với khách hàng, làm ra sản phẩm an toàn”.