Nhãn Hồng Nam được sản xuất theo quy trình Vietgap
Cũng như nhiều xã viên của các hợp tác xã trồng nhãn khác đang áp dụng quy trình chăm sóc, sản xuất theo Vietgap, dù đang trong những ngày chính vụ thu hoạch, sản lượng nhãn được mùa nhưng xã viên trong hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên không phải lo lắng nhiều về tiêu thụ mà chỉ phải đảm nhận khâu thu hái, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Việc tiêu thụ đã được đối tác là các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị nhiều nơi về thu mua. Có được kết quả này là nhờ chuỗi sự kiện quảng bá, tiêu thụ nhãn mà ngành chức năng trong tỉnh đã tổ chức, giúp các hợp tác xã có nhiều đơn hàng tiêu thụ nhãn hơn.
Bà Trần Thị Bắc – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nhãn lồng Nễ Châu, Hồng Nam, thành phố Hưng Yêncho biết:"Các hội nghị xúc tiến rất có lợi cho người trồng nhãn, nhiều người biết đến vùng trồng nhãn sạch nên chúng tôi tiêu thụ gặp rất nhiều thuận lợi."
Thị trường tiêu thụ của nhãn Hồng Nam bao gồm trong và ngoài nước
Không chỉ giúp mở rộng thị trường, đa dạng các kênh tiêu thụ nhãn cả trong và ngoài nước mà thông qua các sự kiện xúc tiến, tiêu thụ giúp người sản xuất thay đổi cách trồng, chăm sóc nhãn. Từ trồng theo cá nhân hộ gia đình nay phải chuyển sang mô hình tập thể, hình thành các hợp tác xã trồng nhãn.
Ông Vũ Duy Hân – Chủ tịch UBND xã Hồng Nam cho biết: "Bà con rất phấn khởi vì qua hội nghị xúc tiến giúp thay đổi nhận thức về sản xuất, tiêu thụ nhãn, nhờ đó không phải lo lắng về khâu tiêu thụ."
Hồng Nam là xã trọng điểm trồng nhãn của tỉnh, với diện tích khoảng 220 ha. Toàn xã hiện có 3 hợp tác xã và một tổ hợp tác sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn Vietgap với sản lượng khoảng 1.000 tấn, chiếm 1/3sản lượng nhãn toàn xã. Được mùa nhưng giá nhãn bán tại các hợp tác xã vẫn rất ổn định, bình quân từ 20 - 35 nghìn/kg. Tiếp tục thành lập các hợp tác xã để mọi người trồng nhãn đều tham gia, đồng nhất trong chăm sóc để tạo ra sản phẩm sạch sẽ là hướng đi chính của người trồng nhãn nơi đây.