Các đại biểu tham quan, đánh giá mô hình nuôi ghép cá chép V1 theo hướng VietGAP ở huyện Văn Giang
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 2017- 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng bình quân 2,6%/năm; giá trị thu được trên 1ha canh tác năm 2020 đạt 210 triệu đồng, tăng 36,5 triệu đồng so với năm 2017.
Trong lĩnh vực trồng trọt, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, gia tăng giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung và nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá rõ rệt...
Giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 8.633ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi thủy sản, cho hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình sản xuất hoa cây cảnh cho thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cá biệt từ 1,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm; cây ăn quả cho thu nhập 250 - 700 triệu đồng/ha/năm, gấp 3 - 7 lần cấy lúa; dược liệu cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, thủy sản cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 3 - 10 lần so với gieo cấy lúa. Toàn tỉnh xây dựng được gần 500 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, cây vụ đông gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Một số mô hình đã liên kết với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình liên kết sản xuất lúa ở các huyện Kim Động, Phù Cừ; mô hình sản xuất ngô nếp, bí tại các huyện Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ... Theo đánh giá, những mô hình này mang lại lợi nhuận kinh tế cao, ổn định cho người sản xuất, đặc biệt là khâu tiêu thụ nông sản.
Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được phổ biến và nhân rộng. Toàn tỉnh đã có hơn 2 nghìn ha rau màu, cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; công nhận được 54 sản phẩm OCOP; xây dựng được 81 mô hình chuỗi sản phẩm rau, quả, thịt, cá an toàn; diện tích lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ trên 70%, tăng trên 10,6% so với năm 2017. Các địa phương đã tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động, thị trường, trong đó cây ăn quả được xác định có lợi thế cạnh tranh, thị trường thuận lợi nên nhiều địa phương trong tỉnh đã mở rộng diện tích sản xuất, áp dụng công nghệ cao và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu. Do đó, cây ăn quả phát triển mạnh về diện tích, năng suất, sản lượng, năm 2020, toàn tỉnh có hơn 14 nghìn ha cây ăn quả, tăng 34,6% so với năm 2017.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học, nuôi tập trung theo mô hình VietGahp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 4 vùng Gahp với 1 nghìn thành viên và xây dựng được 50,45ha Vietgahp cho chăn nuôi. Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi, bước đầu tiêu thụ ổn định và nâng cao thu nhập cho nông dân. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và kịp thời. Công tác kiểm soát chất lượng con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện tốt; tỷ lệ tiêm phòng hàng năm đạt bình quân 80% diện tiêm trở lên, là một trong những tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng cao. Do đó, đàn gia súc, gia cầm ổn định, sản lượng thịt tăng, chất lượng được nâng cao.
Nuôi thả thủy sản đã chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo hợp tác xã, doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu rủi ro. Phát triển công nghệ nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi cá trong ao bán nổi và nuôi lồng bè trên sông Hồng, sông Luộc với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như chép lai V1, cá lăng, cá diêu hồng, trắm đen. Năm 2020, sản lượng thủy sản tăng 24,4% so với năm 2017.
Song song với phát triển sản xuất, số cơ sở chế biến nông sản của tỉnh không ngừng tăng, đã tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường; một số sản phẩm chế biến đặc thù của tỉnh đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa nổi tiếng trong nước và từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu như long nhãn, hạt sen… Cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ngày càng tăng nhanh. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức và tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản với các tỉnh và thành phố Hà Nội.
Để bảo đảm đúng mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong những năm tới, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ chuyên môn, các doanh nghiệp và người nông dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất sang phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; tăng cường liên kết trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm và xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn. Tiếp tục hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ; tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản kết hợp bao tiêu sản phẩm...
http://baohungyen.vn/kinh-te/202102/chuyen-bien-tich-cuc-sau-3-namtai-co-cau-nganh-nong-nghiep-f6c2481/