Một ngày cuối tháng 7 dương lịch, chúng tôi tìm về ngôi làng với cái tên khá ấn tượng thuộc xã Liên Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên. Không quá khó để tìm đường vào làng, thế nhưng, chỉ cần bước chân đến cổng, ngước nhìn lên dòng chữ “Làng ông Hảo”, cũng đủ để gợi sự tò mò với người dân từ nơi khác tới bởi cái tên làng mang đậm chất riêng tư.
Vốn nổi tiếng với nghề làm đồ chơi truyền thống từ nhiều năm nay, giờ đây làng ông Hảo dường như là một trong số “hiếm” những ngôi làng của miền Bắc còn giữ lại được nghề làm trống trung thu, mặt nạ chú tễu, đầu sư tử.
|
Ông Vũ Văn Hởi đang sơn trống, chờ khô để vẽ hoa văn trước khi giao hàng. |
Bước qua chiếc cổng làng với cái tên đặc biệt, hỏi bất kỳ người dân nào về hộ làm nghề bưng trống, đắp mặt nạ, đầu sư tử, là từ lớn đến bé đều có thể kể ra vanh vách hàng chục cái tên. Con số này dù không còn nhiều so với vài chục năm về trước, song cũng đủ để cả làng hãnh diện về nghề.
Ghé nhà ông Vũ Văn Hởi (72 tuổi), gia đình hiện đang có 3 thế hệ (bố ông, ông và con trai ông) làm nghề sản xuất trống trung thu, chúng tôi đã được nghe nhiều điều thú vị.
Nghỉ tay sau khi vừa sơn xong chừng 20 cái trống cỡ nhỡ, rít một điếu thuốc lào, ông Hởi chậm giãi: “Tôi không biết nghề này bắt đầu từ khi nào. Chỉ biết hồi bé cứ thấy bố làm, là tôi chăm chú xem. Đến chừng lớp 2, bố bắt đầu dạy và cho tôi tiếp xúc với các công đoạn để làm ra một chiếc trống hoàn chỉnh. Hồi đó, ở làng này, nhà nhà làm nghề, người người làm nghề bưng trống.
Vào dịp tháng 6, tháng 7 âm, chỉ cần bước chân đến cổng làng là sẽ nghe thấy tiếng “cách, cách” liên hồi vọng ra từ xưởng sản xuất. Âm thanh ấy, rồi nghề ấy, ngấm vào người tôi lúc nào không hay. Cho đến tận bây giờ, chưa khi nào tôi muốn dừng lại, dù có thời điểm hàng bán không chạy, tính về mặt kinh tế không được là bao...”.
Để làm ra được những chiếc trống trung thu cổ truyền đúng tiêu chuẩn xuất xưởng, người thợ làng Hảo phải mất gần một năm để chuẩn bị, năm nay làm hàng gối đầu cho năm sau. Công việc thường bắt đầu từ tháng 9 dương lịch, thợ chính đã phải tự đi chọn mua gỗ bồ đề, gỗ mỡ rồi về cắt khoanh, đẽo, tiện thành tang trống.
Cùng thời điểm này, một người thợ khác của gia đình sẽ phải ra tỉnh ngoài lựa mua da trâu về, xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra.
Trong thời gian đó, cứ cách 1 - 2 ngày thì người ta phải trở mặt da để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố, không đẹp. Người thợ sẽ phải căn chỉnh thời gian cẩn thận, nếu vớt da ra non quá màu sẽ không đều. Ngược lại, ngâm da “chín” quá thì sẽ thối, hỏng. Khi da đã đạt đủ độ, sẽ được vớt ra, phơi khô, sau đó cắt thành từng miếng tròn làm mặt trống rồi mang đi giáp với tang trống, công đoạn này gọi là bưng trống.
Trống bưng xong, lần nữa lại được phơi khô 1 ngày nắng, rồi mới đến khâu quét sơn và vẽ hoa văn sao cho bắt mắt. Vì phải qua nhiều công đoạn, nên trong một ngày, người thợ có thể cắt hàng trăm miếng da, bưng được hàng trăm mặt trống, nhưng cũng không thể làm xong một chiếc trống hoàn chỉnh với đầy đủ các công đoạn cùng lúc.
Ông Hởi cũng chia sẻ thêm, trước kia, muốn bưng một chiếc trống mất khá nhiều thời gian vì đóng thủ công hoàn toàn. Ngoài việc phải chuẩn bị các nguyên vật liệu chính, nhà làm nghề còn phải mua tre về, thuê vót thành từng chiếc đinh vầu với kích thước nhỉnh hơn chiếc tăm một chút.
Sau đó, một tốp thợ khác sẽ đục lỗ trên trống, rồi mới nhặt từng chiếc đinh vót được, tra đinh vào, rồi lại dùng kéo sắc cắt chỗ đinh thừa sao cho sát mặt da để bề mặt trống không bị gồ ghề, trẻ chơi không bị xước tay chân.
Giờ hiện đại hơn, công nghệ phát triển, khi vào vụ mùa, các gia đình làm nghề thường ra phố Thuốc Bắc (Hà Nội) để mua súng bắn ghim. Với những chiếc ghim hình chữ U, chỉ cần căn trên bề mặt, rồi bóp cò là ghim đã định vị chặt trên bề mặt trống.
Cứ thế, tuỳ vào trống to hay nhỏ mà bắn vào nhiều hay ít ghim. Việc này cũng giúp cho công đoạn sản xuất trống được nhanh hơn, trẻ con chơi trống được an toàn hơn. Mỗi vụ mùa, trung bình mỗi năm làng ông Hảo cũng xuất xưởng hàng chục nghìn trống các loại đi khắp các tỉnh, thành. Bé nhất là loại có đường kính 10cm, to nhất khoảng 30cm. Giá tiền dao động từ 10.000-150.000đ/chiếc xuất xưởng.
Tuy nhiên, để lưu giữ dáng dấp của những chiếc trống truyền thống, riêng với loại trống dùng trong lễ hội, đình chùa hay trống trường, những người làm nghề tại làng ông Hảo vẫn nhất mực giữ cách tra đinh vầu.
Tiếng trống thôn ông Hảo đã vang xa đến khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc. Nghề làm trống, thuộc da đã giúp nhiều người dân trong làng thoát nghèo. Theo dòng thời gian, cùng với sự phát triển của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng cũng đã thay đổi khi đồ chơi Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, làng nghề bị biến động, số người nặng lòng với nghề làm trống đã vơi đi nhiều.
Một số người trụ lại với nghề họ đã tích cực tìm kiếm thị trường, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để tìm hướng sản xuất mới. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề làm mặt nạ, đầu sư tử bằng giấy bồi xuất hiện ở thôn Hảo.
Trước kia, người làng chủ yếu làm mặt nạ chú Tễu. Nhưng những năm gần đây, mẫu mã đã đa dạng hơn. Đầu sư tử cũng được làm kỳ công hơn, bên cạnh việc chú ý đường nét, màu sắc còn phải chú ý đến phụ kiện như gắn thêm lông hóa học màu trắng để làm bờm. Nhờ thế mà sản phẩm bán ra vẫn được ưa chuộng.