Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng dự hội nghị sinh hoạt chi bộ các thôn ở xã Đa Lộc (Ân Thi)
Theo báo cáo tổng hợp, xã Phan Sào Nam hiện có gần 459 ha đất canh tác. Trong đó, đã quy hoạch gần 80ha diện tích trồng vải trứng. Đến thời điểm này, xã đã trồng được trên 27ha vải trứng. Giá vải thu hoạch vụ vừa qua đạt từ 60 – 70 nghìn/kg. Xã phấn đấu đến năm 2020, sản lượng vải trứng đạt khoảng 7 tấn/ha; giá trị thu đạt từ 280 – 300 triệu đồng/ha/năm.
Xã Đa Lộc hiện đã chuyển đổi được khoảng 80ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm. Giá trị các mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,2 – 3 lần so với trồng lúa. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp, xã Đa Lộc đang tập trung quy hoạch chuyển đổi vùng chuyên canh vải trứng trên diện tích khoảng 30ha đất trồng lúa có thổ nhưỡng, chất đất phù hợp cho sự phát triển của cây vải trong giai đoạn 2019 – 2020 tại thôn Bình Nguyên...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị
Tại hội nghị, nhiều cán bộ, đảng viên ở 2 xã Phan Sào Nam và Đa Lộc đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ cây vải trứng.
Qua trao đổi, các đại biểu đều khẳng định hiệu quả từ cây vải trứng. Tuy nhiên để đạt năng suất, chất lượng và giá trị cao hơn từ cây vải cũng như mở rộng diện tích trồng cây vải trứng đạt quy hoạch mà các địa phương đã đề ra, nhiều đại biểu kiến nghị và đề xuất cần: Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi diện tích ở những vùng đã được quy hoạch; các cấp, các ngành cần tạo điều kiện và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đã chuyển đổi mô hình; tạo nguồn vốn vay trung hạn để các hộ đầu tư mở rộng diện tích trồng; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện phù hợp phục vụ nông dân trồng cây ăn quả ở những vùng chuyên canh; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc vải, đặc biệt là cách khắc phục tình trạng vải ra hoa nhưng không đậu quả, rụng quả non; hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; xây dựng thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm...
Đại biểu xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) phát biểu ý kiến
Tại hội nghị, lãnh đạo một số ngành chức năng của tỉnh đã làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu 2 xã Phan Sào Nam và Đa Lộc quan tâm.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng ghi nhận hiệu quả từ cây vải trên đồng đất xã Phan Sào Nam và thôn Bình Nguyên (xã Đa Lộc). Đồng chí cho biết, thổ nhưỡng của 2 địa phương trên phù hợp để trồng cây ăn quả, nhất là cây vải trứng. Do đó để thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cấp ủy 2 xã Đa Lộc và Phan Sào Nam cần tăng cường công tác lãnh đạo, liên kết, đưa cây vải trứng vào trồng trên vùng đất đã quy hoạch. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các địa phương cần nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào. Đồng thời tích cực vận động để người dân hiểu rõ và tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương; xây dựng và tham gia hợp tác xã để tăng tính liên kết, tạo thành các vùng sản xuất chuyên canh cho giá trị thu nhập cao.
Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chọn giống cây trồng tốt, bảo đảm giống khỏe, cho hiệu quả kinh tế cao; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình thâm canh, nhân giống để cây phát triển tốt; tiếp tục khảo sát thổ nhưỡng của từng vùng để định hướng nhân dân trồng những giống cây phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao; tiếp tục xây dựng thương hiệu cho quả vải trứng, tạo mẫu mã, bao bì đẹp; bảo vệ cây vải trứng gốc để nhân dân các địa phương khác có thể đến tham quan…