|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại xã Nghĩa Dân (Kim Động) |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi như: Thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát việc vận chuyển lợn trên địa bàn; tăng cường công tác vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột tại các khu vực chăn nuôi, tiêu hủy lợn bị mắc bệnh... Đến nay, các địa phương đã tiêu hủy trên 130 tấn lợn bị mắc bệnh, cùng với đó đang tập trung theo dõi dịch bệnh ở các trang trại.
Tại các địa phương đến kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, tại các vùng có dịch, các địa phương tập trung khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi chấp hành các quy định về vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn. Tại các địa phương có nguy cơ nhiễm bệnh dịch cao cần tăng cường tuyên truyền, bằng nhiều hình thức để người dân có sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; các xã, thị trấn khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên. Đối với các hộ chăn nuôi lợn, cần kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu chăn nuôi và hàng ngày phải triển khai tiêu độc khử trùng quanh khu vực chăn nuôi. Các ngành chức năng, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát không để lợn bị bệnh, lợn không rõ nguồn gốc từ vùng có dịch hoặc từ địa phương khác xâm nhập vào địa bàn. Khẩn trương tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, ưu tiên các vùng giáp ranh, nơi có nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao. Đối với các hộ chăn nuôi phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn. Các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy, không để xảy ra tiêu cực, nghiêm cấm tình trạng bán chạy lợn bị bệnh. Bên cạnh việc sử dụng ngân sách nhà nước, các địa phương cần chủ động xã hội hóa kinh phí cho việc phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu với UBND tỉnh các chính sách phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi; phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy mô tập trung, xa khu dân cư.