Nhiều giải pháp được các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ trong Kỳ họp lần thứ Mười tám, HĐND khóa XVII.
Trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp lần thứ Mười tám HĐND tỉnh khóa XVII, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Để đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 trước hết phải nói đến sự chủ động, sát sao trong công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức đồng lòng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh ước đạt 10,05% (kế hoạch tăng 9%) và là tỉnh có mức tăng trưởng cao thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thu ngân sách đạt 33.100 tỷ đồng, đạt 144% so với dự toán giao…
Nổi bật hơn cả trong bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm 2023 là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp vào cuộc, chủ động, làm việc và kêu gọi các doanh nghiệp, cũng như đón các đoàn nước ngoài đến xúc tiến đầu tư tại Hưng Yên; chỉ đạo các cấp, các ngành luôn đồng hành, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư và triển khai thực hiện dự án. Kết quả số vốn thu hút đầu tư mới và điều chỉnh tăng thêm năm 2023 đạt 18.387 tỷ đồng và 776,27 triệu USD. Trong đó thu hút được 87 dự án đầu tư mới, bao gồm 41 dự án trong nước và 46 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 14.527 tỷ đồng và 556,97 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 1.390 doanh nghiệp, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022 với tổng số vốn đăng ký mới đạt 22.810 tỷ đồng.
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự chung tay của các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư, quá trình triển khai các dự án đầu tư công, phát triển đô thị thì trong năm 2023 tỉnh tạo việc làm mới cho 2,4 vạn lao động; có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; nhiều chính sách đặc thù được ban hành những năm qua được triển khai thực hiện hiệu quả cũng như xem xét, giải quyết kịp thời nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri… đã thực sự góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Theo thẩm tra, đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thì trong 9 chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế cơ bản các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch giao đầu năm. Tuy nhiên, vẫn còn những chỉ tiêu chưa bảo đảm theo kế hoạch giao như: Chỉ số sản xuất công nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng; về cơ cấu kinh tế… Việc trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 của tỉnh Hưng Yên còn chậm. Mặc dù thu hút đầu tư tốt song qua giám sát thực tế các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng doanh nghiệp chưa phát sinh nghĩa vụ thuế chiếm tỷ lệ cao, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể vẫn tăng so với cùng kỳ…
Để việc thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu khác, đồng thời có giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024 cũng như những năm tiếp theo, tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề cần tập trung hiện nay là cần có giải pháp để thu ngân sách bảo đảm ở tất cả các sắc thuế để tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển. Bởi theo phân tích, dù thu ngân sách năm 2023 vượt chỉ tiêu giao nhưng vẫn có 5 sắc thuế thu chưa bảo đảm kế hoạch. Trong vấn đề thu hút đầu tư thì cần chú trọng thu hút các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó cần phân tích, làm rõ nguyên nhân các dự án có chủ trương đầu tư sớm nhưng lại chậm triển khai và đưa vào hoạt động; cần có giải pháp giải quyết tình trạng dự án chậm đi vào hoạt động.
Cần có chính sách tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cũng là vấn đề mà các đại biểu đề cập nhằm phục vụ cho phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn tới. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đang được các địa phương trong tỉnh chú trọng và đẩy mạnh triển khai. Một số địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp các ngành về việc tái định cư, về xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa… nhất là ở các xã kinh tế còn gặp khó khăn.
Cùng với những ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ thì UBND tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: cải thiện vững chắc môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các hội nghị gặp gỡ, xúc tiến đầu tư; thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhất là các tập đoàn lớn, có trình độ khoa học công nghệ hiện đại, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tích cực chuyển đổi số; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”, nhằm sớm bàn giao đất cho doanh nghiệp để triển khai các dự án đầu tư; quyết liệt đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư các công trình, dự án sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng đồng bộ cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; tập trung khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước…
Với những nhiệm vụ và giải pháp cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quyết tâm vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân chắc chắn các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 sẽ hoàn thành tốt, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong cả giai đoạn 2021-2025.
https://baohungyen.vn/kinh-te-hung-yen-vung-vang-vuot-qua-thach-thuc-3168012.html