Anh Nguyễn Văn Tổng ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) đang thu hoạch nấm sò
Dẫn chúng tôi tham quan khu lán trại trồng nấm sạch ngay trên thửa đất của gia đình, anh Nguyễn Văn Tổng ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết, hiện cơ sở sản xuất của anh có 4 lán sản xuất với sức chứa 7.000 bịch nấm các loại, mỗi năm cung cấp ra thị trường 8 tấn nấm sò, 4 tạ nấm linh chi khô… Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg nấm sò, 500.000 đồng/kg nấm linh chi, mỗi năm mang lại cho gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.
Anh Tổng chia sẻ: “Ðể chất lượng nấm đạt tiêu chuẩn, các khâu sản xuất phải được tiến hành theo quy trình khép kín và “sạch từ đầu vào cho tới đầu ra”. Mỗi bịch nấm được làm từ bông tự nhiên và mùn cưa, nước sử dụng để tưới nấm là nước tinh khiết, có thể uống được. Tất cả các nguyên liệu đều được chọn lọc, vệ sinh kỹ càng, không sử dụng thuốc trừ sâu, chất bảo quản hay bị tác động bằng hóa học. Ngoài ra, người trồng nấm phải thường xuyên trông coi để lán trại tuyệt đối không có côn trùng, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi tác động từ các yếu tố thời tiết, nhiệt độ...”.
Nhận thấy địa phương có những điều kiện tự nhiên phù hợp với nghề trồng nấm, năm 2010, ông Nguyễn Quốc Chữ ở thị trấn Vương (Tiên Lữ) đầu tư trồng 2.000 bịch nấm mộc nhĩ, kết quả có lãi. Dần dần, ông mở rộng diện tích lên 1ha, trồng các loại nấm mộc nhĩ, nấm hoàng đế, nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi… Đầu năm 2018, ông Chữ quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) nấm Thành Yên xã Trung Dũng (Tiên Lữ) gồm 13 thành viên.
Mô hình trồng nấm của gia đình ông Nguyễn Quốc Chữ (Tiên Lữ)
Tuy HTX mới đi vào sản xuất thời gian không lâu nhưng hiệu quả kinh tế đã rất rõ rệt. Trung bình một năm, HTX cung cấp ra thị trường 15 tấn mộc nhĩ, 10 tấn nấm sò, 5 tấn nấm hoàng đế, 1,5 tấn nấm linh chi khô, 10 tấn nấm mỡ, nấm rơm… Giá bán các loại nấm dao động từ 30.000 đồng - 800.000 đồng/kg. Bên cạnh sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, HTX còn cung cấp giống nấm cho nhiều trại nấm trong tỉnh và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Phòng...
Hiện nay, HTX nấm Thành Yên xã Trung Dũng còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập 120.000 đồng/ngày, góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Anh Đoàn Ngọc Hảo, thành viên HTX nấm Thành Yên chia sẻ: Trồng nấm cho thu lợi nhuận gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa bởi nấm là cây dễ tính, ít sâu bệnh và không đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc, vốn đầu tư không cao, thời gian sản xuất rất ngắn, nhanh cho thu hoạch nên thường xuyên quay vòng vốn. Điều đặc biệt là trồng nấm có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu rất phong phú ở vùng nông thôn, đó là rơm, rạ và mùn cưa. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ nấm rất rộng. Nấm sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có thời điểm “cháy hàng”.
Để phát triển các mô hình trồng nấm, trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai thêm 2 mô hình: trồng nấm mộc nhĩ ở xã Phú Thịnh (Kim Động) và trồng nấm sò ở xã Lạc Đạo (Văn Lâm) với quy mô 75 tấn nguyên liệu/mô hình. Các hộ tham gia mô hình đều được hỗ trợ 50% giống, 50% vật tư phục vụ trồng nấm.
Ông Nguyên Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Những năm gần đây, các mô hình trồng nấm hiệu quả trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều, bước đầu có những mô hình đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, mở ra hướng làm giàu cho nhiều địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động. Để nghề nấm phát triển bền vững, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị dinh dưỡng của nấm, đồng thời khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất và liên kết với nhau. Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn về kĩ thuật sản xuất nấm để giới thiệu tới người dân về nghề trồng nấm…