Tuy chỉ có vài hộ làm, và còn phải kiểm nghiệm khi thu hoạch, khoảng gần 1 tháng nữa. Song qua đây có thể mở ra hướng đi mới trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất để tăng giá trị canh tác trên cây trồng và ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.

Một vườn nhãn trái vụ ở Thành phố Hưng Yên ( Ảnh chụp ngày 29/9)
Đầu năm nay do diễn biến bất thường của thời tiết, tháng Giêng trời ít mưa, không có rét đậm kéo dài, khiến một số diện tích nhãn ở Hưng Yên không thể nẩy mầm, đâm lộc, không có hoa. Dự báo thời điểm đó, Hưng Yên bị thất thu khoảng 1/5 sản lượng nhãn toàn tỉnh. Trước thực tế này, một số chủ vườn có kinh nghiệm lâu năm ở phường Lam Sơn, Hồng Châu, xã Hồng Nam của Thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu rất sốt ruột. Bởi quanh năm chỉ trông chờ vào vụ nhãn, nay đã đến thời điểm ra hoa mà không thấy nhãn có nụ!
Anh Nguyễn Văn Cảnh, người có kinh nghệm hơn 20 năm trồng nhãn, với diện tích gần 1ha ở phường Lam Sơn cho biết: " Chúng tôi lúc đó đứng ngồi không yên, biết là thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu, nhưng cũng không thể ngờ được là cả vườn nhãn 300 gốc mà chỉ có vài chục cây ra hoa, thế là ngồi với nhau bàn bạc để tìm cách nào đó cho nhãn ra hoa, với hy vọng " vớt vát" một vụ nhãn tưởng như trắng tay".

Anh Nguyễn văn Cảnh có khoảng 100 gốc nhãn trái vụ cho thu hoạch cuối tháng 10 ( ảnh chụp 29/9)
Anh Hoàng Quang Tuấn ở xã Đại Hưng huyện Khoái Châu, người có hơn 1ha nhãn cũng có chung suy nghĩ với anh Cảnh. Chẳng nhẽ mình bó tay với thời tiết? Thế là các anh bắt tay vào thử nghiệm từ giữa tháng 2 âm lịch. Các anh chia sẻ, thực ra cũng chỉ dùng các kinh nghiệm thông thường để cây nhãn ra hoa muộn hẳn, nghĩa là trái vụ.
Vừa kiên trì sử dụng kinh nghiệm khắc phục nhãn ra hoa cách vụ của nhà nông khi xưa như, chăm bón cho cây phát triển cân đối; phòng trừ sâu bệnh kịp thời; khoanh tiện vỏ thân cây, thân cành vừa phun bón lá bằng thuốc kích thích, làm mưa giả để cho nẩy mầm, ra nụ. Sau đó, lại phun thuộc kích thích trên nụ, trên hoa để hoa có thể đậu quả vào cuối tháng 3 âm lịch. Thời điểm mà thời tiết đã nắng nóng, trong khi cây nhãn lại cần rét để ra hoa, đậu quả.
Anh Cảnh và anh Tuấn cho biết " năm 2010, chúng tôi cũng đã thử áp dụng phương pháp này, vì năm đó thời tiết cũng diễn biến bất thường, gần giống năm nay, kết quả là ra hoa và đậu quả muộn hơn 1 tháng so với nhãn chính vụ, tuy rằng năm đó, chỉ làm diện hẹp, và đến dịp ngày 10/10 Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh Cảnh vẫn còn hơn 1 tấn nhãn lồng Hưng Yên bán với giá cao hơn hẳn nhãn chính vụ".

Nhãn trái vụ ở Hưng Yên mới vào nước 2, hạt vẫn đỏ, cùi chưa đẫy nước ( Ảnh chụp ngày 29/9)
Thời điểm này, khi nhãn muộn ở Hưng Yên đã cơ bản thu hoạch xong, thì vườn nhãn của anh cảnh vẫn còn gần 100 cây ra quả, và khoảng 1 tháng nữa sẽ thu hoạch. Vườn anh Tuấn thì ít hơn, chỉ có hơn chục cây, nhưng, lại thu muộn hơn hẳn, phải 2 tháng nữa mới được thu.
Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề đặt ra là chất lượng của các trà nhãn trái vụ này, cũng như việc để nhãn ra quả quá muộn thì thâm canh vụ nhãn năm sau thế nào? Bởi độ ngọt, thơm của loại quả được coi là đặc sản này phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Khi gió heo may, sương muối nhiều, thời gian nắng trong ngày ít, liệu cùi nhãn có dày và đảm bảo độ ngọt, thơm không? Khi mà các nhà vườn đã thu hoạch xong, đang tiến hành chăm sóc bộ rễ, thân, cành, lá đảm bảo nẩy mầm đón lộc nhãn vào tháng Giêng tới thì những cây nhãn trái vụ vẫn đang phải nuôi quả, có đủ thời gian phục hồi để có lộc, hoa như các cây khác?

Vườn nhãn trái vụ của anh Tuấn ở xã Đại Hưng - Khoái Châu
Anh Cảnh cho biết, đã dự trù phương án này, đó là ở các cây nhãn trái vụ, anh chỉ để một nửa ra quả, còn lại vẫn để mầm, lá bình thường như các cây khác. Điều này, có thể còn phải kiểm chứng bằng thời gian. Đó là chất lượng nhãn khi thu hoạch và vụ nhãn năm sau các cây này có ra hoa, đậu quả hay không?
Chỉ biết rằng, nhãn trái vụ ở thời điểm hiện tại giá sẽ cao hơn hẳn các trà nhãn trung và nhãn muộn. Bởi thời điểm đó nhãn quả rất hiếm. Một số siêu thị đã đến thăm quan vườn nhãn và dự định đặt hàng nhãn trái vụ.
Qua đây, cũng mong các ngành chức năng, nhà khoa học cần sớm vào cuộc tìm hiểu, tư vấn cho các chủ vườn ở Hưng Yên. Làm sao có thể tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ tiến tiến trong sản xuất nông nghiệp để các vườn nhãn ra hoa trái vụ sai quả, giữ được độ ngọt, hương vị của nhãn lồng và không ra quả cách năm.