Đêm ấy từ tháng 5 năm 2010 mà nhớ mãi. Có lẽ trong các đoàn của tỉnh Hưng Yên ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, đoàn làm phim chúng tôi ra sớm nhất và duy nhất được ngủ một đêm trên đảo Trường Sa lớn, thủ phủ của quần đảo Trường Sa.
Đêm hôm đó với chúng tôi thật là đặc biệt. Dù trong 12 ngày đêm có 11 đêm ngủ trên tàu HQ957 của Quân chủng Hải quân lênh đênh trên biển trong màn đêm kín đặc giữa trùng khơi. Ban ngày thăm các đảo chìm, đảo nổi rồi lại rút về tàu ngủ qua đêm, chỉ có đảo nổi Trường Sa lớn là được ngủ lại.
Gọi là đảo Trường Sa lớn vì nó lớn nhất trong 33 điểm đảo nổi, đảo chìm và bãi đá san hô trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang quản lý. Chiều dài đảo Trường Sa lớn lúc đó chỉ gần một cây số, chiều ngang từ 300 đến 400 mét. Trên đảo cát trắng vàng, do công sức kiên trì cải tạo, từng bao đất màu, từng viên đá, từng cân xi măng, từng thanh sắt được chở từ đất liền ra mà đảo đã khang trang rất nhiều so với ngày đầu gian khổ khi mới giải phóng, đảo đã được phủ một màu xanh trù phú với ba loại cây đặc trưng sống được ở đây là cây bàng vuông, cây phong ba và cây bão táp.
Cùng với cầu tàu, nhà thờ Bác Hồ, chùa và các công trình khác là nhà khách đã được xây dựng. Đêm ấy, nhà khách chỉ đủ bố trí cho các đoàn của các bộ ngành và các tỉnh, thành. Cánh báo chí, trong đó có đoàn làm phim Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên ngủ ở doanh trại cùng những người lính hải quân.
Đoàn công tác của Đài PT&TH Hưng Yên phóng vấn lãnh đạo Quân chủng Hải quân trên đảo Trường Sa lớn
Đoàn làm phim chúng tôi có bốn anh em. Do điều kiện không có dư nhà nên nhà báo Phạm Thành, nhà báo Bùi Hải Đăng, nhà báo Đoàn Đức Sĩ và tôi mỗi người ngủ ở một phòng lính. Anh em bộ đội nhường cho chúng tôi mỗi người một gường, chiếc gường chúng tôi ngủ mọi khi có một lính nằm, khi có chúng tôi, hai lính sẵn sang nằm chung để chúng tôi nghỉ ngơi và để đồ nghề máy quay phim, máy ảnh.
Nhà lính là nhà cấp bốn nhưng khá khang trang. Mỗi phòng có gần chục người. Tất cả các lực lượng hải quân, không quân, đặc nhiệm … anh em đều ăn ở ngăn nắp, gọn gang theo phong cách quân sự, phòng có điện chiếu sáng, có ti vi và tủ sách. Cả đảo chỗ nào cũng sạch. Không khí hơi nước biển không có ô nhiễm và gió sạch, trong lành đến tuyệt vời. Bể hứng nước mưa từ mái nhà và vườn rau xanh nhỏ có quây tường tránh gió bão cùng những bồn rau, chậu rau quanh năm xanh tốt. Khu nuôi lợn, gà, bò được tách riêng.
Màn đêm buông là cả đảo tĩnh lặng trong ánh đèn cao áp thủy ngân dùng điện năng lượng gió và pin mặt trời. Kỷ luật quân sự hết sức nghiêm từ giờ giấc, đi lại, sinh hoạt, vui chơi giải trí.
Buổi tối ăn chiêu đãi tại đảo, được biết chỉ có những bữa có khách hay lễ, tết mới có rượu, bia trong giới hạn. Lúc cơm tối do mệt vì tranh thủ thời gian thao tác nghề liên tục để có cuốn phim ưng ý tôi không ăn được nhiều. Đêm thấy đói nhưng chẳng có hàng quán để mua bánh mỳ hay mỳ tôm. Trường Sa lớn có một số ít dân được ra sinh sống để làm các công việc bên dân sự như thủy văn, hàng hải, có một cô giáo dạy học cấp một từ lớp mầm non đến lớp 5 cho số ít con em trên đảo. Thị trường chỉ có một trạm bán dầu cho ngư dân, nhà nước bù giá bán bằng giá trong bờ.
Nhớ những hôm ngủ trên tàu, tối xem phim, liên hoan văn nghệ, sáng 5 giờ 30 là báo thức qua loa nhỏ ở các phòng “ Đoàn tàu báo thức, đoàn tàu báo thức … “. Đêm trên đảo cũng liên hoan văn nghệ giữa các đoàn ra thăm đảo với các chiến sĩ thật vui. Các anh chị văn công đi cùng đoàn công tác, rồi các thành viên trong đoàn cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo hát những bài ca về biển đảo thật xúc động. Ở đây, tiếng phụ nữ rất hiếm, anh em cho biết, nhiều khi nhớ nhà gọi điện cho mẹ, cho vợ, cho người yêu, cho bạn để gần gũi quê nhà. Mỗi lần có đoàn công tác ở đất liền ra, giao lưu, nhất là giao lưu văn nghệ thật là vui, đầm ấm.
10 giờ 30 tối, trừ trực ban và những ca tuần tra gác đảo, anh em chiến sĩ đi ngủ đúng giờ đã thành quy củ và chúng tôi cũng theo quy củ ấy. Nằm xuống giường mà tôi có ngủ được đâu. Tôi lim dim quan sát thấy anh em lính thay ca gác 2 giờ một lần rất nhẹ nhàng, không làm lục xục ảnh hưởng giấc ngủ của người khác. Không ngủ không phải lạ giường mà bao ý nghĩ miên man nơi đảo xa mà lịch sử giao phó cho thế hệ hôm nay, nghĩ cả về kịch bản một cuốn phim tài liệu, ba tập phim ký sự chỉ có đề cương, không thể làm kịch bản trước vì lần đầu ra đảo, vì “ đi ké “ theo đoàn công tác, phải tranh thủ từng phút, quan sát nhanh, nghĩ nhanh, quay phim khẩn trương, đạo diễn kịp thời trong điều kiện thời gian vô cùng eo hẹp. Rồi dần dần hình thành kịch bản khi đang thao tác … Cứ thế trằn trọc tới khi bình minh ló dạng. Buổi sáng mặt trời tỏa ánh hồng chân trời biển là phải quay ngay lấy cảnh. Ôi, bình minh phên giậu phía đông Tổ quốc thật đẹp diệu kỳ và thiêng liêng biết mấy.
Đêm mùa hè, Trường Sa gió lộng và mát mẻ vô cùng, ánh trăng trên biển mới đẹp làm sao. Đêm không ngủ, tiếng sóng biển ầm ào dội vào bờ đá đảo, một âm thanh vừa xa xôi vừa thân thương đến lạ kỳ. Ngoài kia, chiếc ra đa quét sóng vẫn luôn quay đều phát hiện mọi động tĩnh từ phía biển xa, rất xa, từ trên không trung của vùng trời đất nước. Cách chỗ tôi nghỉ rất gần, những tốp lính tuần tra luôn dõi theo cừng cơn sóng biển vừa đen ngòm vừa trắng xóa trong đêm để phát hiện những hiện tượng của đặc công người nhái hay xuồng địch nếu chúng liều lĩnh âm thầm xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta. Phía nào đó có cả những chiếc tàu đánh cá của ngư dân lập lòe đèn trên biển.
Đêm tôi ngủ đảo Trường Sa, trời yên, biển lặng. Thơ mộng đấy nhưng tôi cứ hình dung ra đêm biển động, gió bão cuồng phong. Với không gian này, bão biển bao giờ cũng mạnh, không có núi che chắn chẳn cuồng phong ghê gớm lắm. Anh em trên đảo kể : Có trận bão lớn anh em dồn lên ở nhà tầng. Bão làm nghiêng cây, gãy cành, giữa đêm nước sóng biển tràn lên hết đảo vì sóng cao có khi gần chục mét mà mặt bằng đảo chỉ cao hơn mặt nước biển một đến 1,5 mét. Rau xanh nát hết, lại trồng từ đầu mà đất nhiễm mặn rất khó trồng rau. Các công trình điện, nhà cửa phải khôi phục, sửa chữa lại. Bão trên biển, trên đảo dữ tợn, hụng bạo hơn nhiều lần bão vào trong đất liền. Ngày thường đã phải tiết kiệm nước ngọt tích trữ từ bể chứa nước mưa, ăn tiết kiệm rau xanh, nếu bão nước dâng nhiễm mặn vào một giếng nước ngọt hơi lợ giữa đảo thì việc sử dụng nước tắm lại càng khó khăn, rau xanh cực kỳ khan hiếm khi phải thay đất trồng lại từ đầu.
Chập trùng sóng, chập trùng mây
Giữa bao la biển ô hay làng mình
Cũng vòng hoa mướp rung rinh
Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà
Mồng tơi ra với Trường Sa
Lá xanh quấn quýt như là đợi em
Muốn xem ra đó mà xem
Rau sam trên đá, rau rền trên khay
Đất quê đóng gửi về đây
Lính gieo hạt xuống thành cây thành hàng
Đảo xanh biển bớt mênh mang
Đá san hô thấm mấy tầng mồ hôi.
Những con người đã và đang giữ đảo ấy hầu hết là thanh niên trẻ, người nam kẻ bắc, bốn phương trời không hẹn lại nên thân. Chuyến đi 12 ngày đêm năm ấy, chúng tôi gặp biết bao chiến sĩ với bao kỷ niệm, họ bình dị, dễ mến và khí phách. Trong đó có nhiều người con quê hương Hưng Yên mà chỉ có thể kể ra mấy bạn đã nói trong phim đã phát sóng trên Đài tuyền hình Quốc gia và nhiều kênh truyền hình các tỉnh, thành phố cũng như trên các báo mạng và YouTube : Nguyễn Văn Cường quê xã Phú Cường, huyện Kim Động sau lần chúng tôi gặp ở Trường Sa lớn, anh đã hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ. Rồi Đỗ Văn Khuê, Vũ Anh Quân, Nguyễn Văn Phước, Đỗ Văn Đức… Noi gương các chiến sĩ quả cảm trên con tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa cũng như các chiến sĩ giải phóng Trường Sa năm 1975, các chiến sĩ anh hùng trong hải chiến Gạc Ma năm 1988, các anh đang ngày đêm giữ biển đảo yên bình cho đất nước yên vui, hội nhập đi ra biển lớn và phát triển.
Đó là những người “ ăn sóng nói gió “ khi trên bờ đảo, khi trên tàu xuồng tuần tra, khi trời yên biển lặng, khi mưa dông bão tố, lúc triều cạn phơi ra hàng mấy ki lô mét vuông bãi đá san hô, lúc triều dâng ngập tràn tất cả, các vẫn bám trụ suốt ngày làm bạn với trời mây, sóng nước mặn mòi.
Những người lính
Mặt trẻ tóc già
Con tem nhỏ dán vào góc biển
Biển thành phong thư vĩ đại của đất trời
Ngôn ngữ sóng dạt dào vũ trụ
Tín hiệu xuyên qua mây mù không mỏi
Tình yêu.
Khi tôi viết bài này thì mùa xuân Mậu Tuất đang về. Giáp Tết, những chuyến hàng chở gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, lợn, gà, bánh mứt kẹo, rượu bia… lại vượt trùng dương ba, bốn trăm cây số ra các đảo của quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hoa đào, hoa mai và quất cảnh đến với Trường Sa không nhiều, nhưng tấm lòng hậu phương thì luôn đầy ắp. Và những người lính biển như những cánh chim hải âu cũng vậy. Nhớ đêm Trường Sa năm ấy, các anh đã quen còn tôi thì lạ. Cái lạ của những người như tôi một lần hay ai chưa lần nào đặt chân ngủ đêm ở một đảo Trường Sa. Nơi có những người con của dất Việt đang ngày đêm vượt qua bao gian khó, vững tay súng bảo vệ từng tấc đất, từng tấc biển và vùng trời của Tổ quốc than yêu. Đêm Trường Sa không ngủ với tôi là một dấu ấn trong đời chẳng thể nào quên được.