Nuôi cá lồng trên sông cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên)
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 19, lĩnh vực trồng trọt có chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu mùa vụ và cây trồng, có tính đột phá, góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất. Từ năm 2022 đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi 1.200 héc-ta trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi thả thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng tổng số diện tích đã chuyển đổi lên 19.240 héc-ta. Nhiều mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 50% kinh phí để nông dân mua 33,5 tấn giống lúa mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng khá, thích ứng với biến đổi khí hậu để thay thế các giống lúa cũ (tương ứng với 6,5 tỷ đồng); 50% kinh phí mua 315 tấn phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh để bón cho các vùng sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm tăng chất lượng sản phẩm (tương ứng khoảng 1,3 tỷ đồng). Đến nay, toàn tỉnh có 3.737 héc-ta trồng cây ăn quả được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các địa phương đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 48,62 héc-ta; theo hướng hữu cơ có 85 héc-ta, góp phần nâng giá trị thu được trên một héc-ta canh tác từ 210 triệu đồng/héc-ta/năm (năm 2020) lên 230 triệu đồng/héc-ta/năm (năm 2022) và dự kiến năm 2023 đạt 240 triệu đồng/héc-ta.
Chăn nuôi chuyển biến rõ nét theo hướng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, chất lượng đàn giống vật nuôi được nâng cao và quản lý chặt chẽ. Các đề án, dự án phát triển chăn nuôi chất lượng cao, an toàn sinh học được triển khai thực hiện hiệu quả; giống vật nuôi được thực hiện tốt, góp phần đưa tỉ lệ đàn bò lai 3 máu đạt 40-45%, tỉ lệ nạc hóa đàn lợn đạt 100%; tỉ lệ đàn gà lông màu đạt trên 90%, trong đó, tỉ lệ gà Đông Tảo, gà Đông Tảo lai chiếm trên 35%; tỉ lệ chăn nuôi an toàn sinh học chiếm 50%. Toàn tỉnh đã cấp chứng nhận cho 55 mô hình sản xuất nông nghiệp, nâng tổng quy mô được chứng nhận VietGahp lên hơn 2,8 triệu con gia súc, gia cầm, sản xuất an toàn theo chuỗi.
Hiện nay, toàn tỉnh có 5.239 héc-ta nuôi thả thủy sản, trong đó diện tích nuôi thâm canh có 1.930 héc-ta, còn lại là bán thâm canh, quảng canh và diện tích sản xuất giống thủy sản; năng suất đạt gần 8 tấn/héc-ta/1 chu kỳ nuôi. Nuôi thả thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực về chuyển đổi cơ cấu giống, loài nuôi, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo hợp tác xã, doanh nghiệp; từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh, tích cực ứng dụng công nghệ nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi lồng bè trên sông và nuôi thủy sản trong ao bán nổi với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Đến nay, diện tích nuôi thả thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 92,2 héc-ta và 173 lồng cá sản xuất an toàn theo chuỗi.
Công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả khá toàn diện. Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh đã triển khai xây dựng và ứng dụng các phần mềm: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ viễn thám để cung cấp bản đồ tuổi lúa và thống kê diện tích; xây dựng bản đồ ATLAST nông nghiệp điện tử (WEBGIS) phục vụ quản lý và định hướng vùng nông sản hàng hóa tập trung chuyên canh...
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tích cực tham mưu với tỉnh hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tập trung huy động nguồn lực để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng theo quy hoạch; hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh thu hút đầu tư thông qua các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư FDI để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời, chủ động lựa chọn và áp dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất nông nghiệp.
https://baohungyen.vn/phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-toan-dien-3167500.html