Người chiến sĩ giao liên Vũ Văn Nha (xã Trung Hòa, Yên Mỹ)
Ông Vũ Văn Nha sinh ra và lớn lên ở vùng quê thôn Tam Trạch, xã Trung Hòa (Yên Mỹ), năm nay ông đã 91 tuổi đời, 64 năm tuổi Đảng, cuộc đời đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng ông không thể quên niềm vui ngày 2/9/1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước toàn dân và toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Ông Vũ Văn Nha ở thôn Tam Trạch, xã Trung Hòa (Yên Mỹ)
Tháng 8 năm ấy, quần chúng Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đồng loạt vùng lên đấu tranh giành chính quyền, lấy thóc, gạo chia cho Nhân dân, làn sóng đấu tranh lan rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh. Người dân các địa phương theo những ngả đường, tay cầm cờ đỏ sao vàng, miệng hô to “Ủng hộ Việt Minh, Ủng hộ Việt Minh” nối nhau đổ về trung tâm các huyện lỵ biểu tình rất đông.
Biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình, ông Nha hồ hởi và mong mỏi từng giờ để được chứng kiến giờ phút trọng đại của dân tộc. Sáng ngày 2/9/1945, từ sớm tinh mơ, ông Nha mặc trang phục chỉnh tề rồi cùng hơn chục thanh niên trong xã mang theo cơm nắm, chai nước đi bộ hướng về thủ đô Hà Nội. Hôm ấy, khắp Hà Nội khí thế náo nhiệt, tưng bừng, con đường nào cũng gặp người dân náo nức cầm cờ đỏ sao vàng, mặt ai cũng rạng ngời, phấn khởi.
Tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Nhân dân ai nấy đều rất sung sướng, tự hào vì dân tộc ta đã thoát khỏi ách nô lệ, đất nước được độc lập. Lúc đầu, khi Bác lên lễ đài, biển người cứ tiến sát lại gần lễ đài những mong được ngắm Bác gần hơn, nghe Bác đọc rõ hơn. Bản Tuyên ngôn Độc lập kết thúc bằng lời thề giữ nước “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Và ông Nha tự nhủ với lòng mình, quyết tâm mang theo lời thề ấy trong tim để vượt qua khó khăn, gian khổ, góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.
Sau đó, ông Nha trở về tham gia cách mạng. Năm 1946, khi mới 14 tuổi ông được giao nhiệm vụ làm giao liên liên lạc và cảnh giới cho các cuộc họp của Việt Minh. Những năm sau đó, ông đảm nhiệm nhiều công việc ở địa phương và luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông Nha nói: “Tôi mang trong mình tinh thần, ý chí của lời thề độc lập ngày 2/9/1945 trong suốt chặng đường công tác, dù ở bất cứ vị trí nào, tôi luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.
Cựu chiến binh Đỗ Cao Phủng (xã Tân Dân, Khoái Châu)
Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Khoái Châu, chúng tôi đến thăm nhà cựu chiến binh Đỗ Cao Phủng (sinh năm 1933) ở thôn Bãi Sậy 3, xã Tân Dân. Đã 90 tuổi nhưng ông Phủng vẫn rất khỏe mạnh, đĩnh đạc với phong thái của Bộ đội Cụ Hồ. Khi nghe chúng tôi hỏi về ký ức những ngày tham gia cách mạng và ngày Quốc khánh 2/9/1945, ông cười vui và trong giọng nói, nụ cười đều ánh lên niềm tự hào, phấn khởi.
Cựu chiến binh Đỗ Cao Phủng, thôn Bãi Sậy 3, xã Tân Dân (Khoái Châu) (người ngồi giữa) ôn lại kỷ niệm về ngày 2/9/1945
Trong ký ức của ông, ngày 2/9/1945, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, người dân xã Tân Dân xúc động, nghẹn ngào. Ông Phủng vẫn nhớ như in cảnh người dân khắp các thôn xóm trong xã ai ai cũng tràn ngập niềm vui. Già trẻ, gái trai đổ ra các con đường, hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”. Không khí ấy mãi khắc sâu vào trí nhớ của cậu bé Phủng lúc đó mới 12 tuổi. Dù không có mặt tại Quảng trường Ba Đình lúc bấy giờ nhưng việc được cất vang bài hát Quốc ca chính là niềm vinh dự không thể kể xiết đối với ông và người dân trong xã khi ấy. Niềm hạnh phúc vỡ òa trong những nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt. “Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc bởi chúng tôi hiểu rằng sau đêm trường nô lệ đau thương và tủi nhục, từ đây chúng tôi đã là dân của một đất nước độc lập, tự do. Cũng từ đó, Nhân dân trên địa bàn xã hăng hái, phấn khởi tham gia Mặt trận Việt Minh”, ông Phủng xúc động nói.
Khí thế của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã thôi thúc ông tình nguyện lên đường nhập ngũ khi 19 tuổi (năm 1952). Ông vào Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, chiến đấu ở chiến trường Ninh Bình rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và nhiều trận đánh khác. Những năm sau đó, ông tiếp tục tham gia cách mạng với tinh thần hăng hái, sôi nổi. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, sự cống hiến của ông Phủng được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huy hiệu kháng chiến chống Pháp hạng Nhì; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì…
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Đỗ Cao Phủng đọc bài thơ: “Lời Bác đọng mãi trong tim” mà ông sáng tác, trong đó có đoạn:
“Cả nước lắng nghe lời Bác nói
Giọng hiền từ sáng chói niềm tin
Ba Đình - Bác đọc Tuyên ngôn
Việt Nam độc lập vang lên từng lời…”
Cựu chiến binh Lều Văn Lợi (xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên)
Sinh năm 1930, dù năm nay đã ở tuổi 93, với 73 năm tuổi Đảng, nhưng thẳm sâu trong ký ức của ông Lều Văn Lợi ở thôn An Chiểu 2, xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên) vẫn luôn in đậm hình ảnh về ngày Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc.
Cựu chiến binh Lều Văn Lợi, xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên)
Bằng giọng hào sảng, ông kể cho chúng tôi nghe về không khí chào đón ngày Quốc khánh: Trước ngày 2/9/1945, không khí trong xã đã rộn ràng niềm vui, sự phấn khởi bởi được sống trong khí thế hào hùng của một dân tộc vừa giành độc lập. Ngày 2/9/1945, Hưng Yên rợp bóng cờ hoa, tiếng trống giữa trời thu dậy một vùng, cùng với cả nước hướng về Quảng trường Ba Đình nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù phương tiện còn lạc hậu, tin tức chủ yếu truyền tai nhau từ thành thị về nông thôn nhưng sức lan tỏa như vũ bão, nhanh chóng đến với mọi người dân trong tỉnh. Thời khắc ấy, ai cũng vui mừng đến rơi nước mắt, mọi người đều đổ ra đường cùng hô vang khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm”, rồi lên thị xã Hưng Yên (thành phố Hưng Yên hiện nay) để nghe bản tin về buổi lễ Quốc khánh qua loa truyền thanh. Trên khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm tự hào, hãnh diện vì mình được làm dân của nước độc lập, được làm chủ cuộc đời.
Ông Lợi chia sẻ: Khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã hun đúc trong tôi ý chí, khát khao hiến dâng tuổi xuân của mình cho cách mạng. Quá trình chiến đấu, công tác, tôi luôn vận dụng những bài học trong lịch sử Cách mạng Tháng Tám đã được Đảng ta chỉ ra, đó là: trong mọi hoàn cảnh, phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới; thực hiện tốt phương châm “lấy dân làm gốc” … Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp tôi dù ở bất cứ cương vị công tác nào cũng luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
78 năm qua, một chặng đường dài với rất nhiều đổi thay nhưng giá trị của độc lập, tự do thì vẫn còn vẹn nguyên. Với chúng tôi, được trực tiếp gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, được nghe kể về lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước càng cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước. Qua mỗi câu chuyện lại thêm một lần nhắc nhở chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào và quý trọng giá trị nền độc lập, tự do của dân tộc. Từ đó hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
https://baohungyen.vn/ky-uc-khong-phai-ve-ngay-quoc-khanh-2-9-1945-3165691.html