Nông dân huyện Phù Cừ trồng bí đỏ cho hiệu quả kinh tế cao
Với việc chủ động thực hiện các giải pháp như: Khuyến cáo nông dân chuẩn bị đủ giống, vật tư... để gieo trồng các loại rau màu vụ đông theo đúng lịch thời vụ; áp dụng linh hoạt các biện pháp kỹ thuật làm bầu, trồng xen, trồng gối, làm đất tối thiểu để bảo đảm thời vụ, đặc biệt đối với các cây trồng vụ đông ưa ấm; do vậy, đến ngày 10/1/2024, nông dân trong tỉnh gieo trồng được hơn 7,2 nghìn héc-ta, đạt hơn 103% kế hoạch, đồng thời thu hoạch được gần 3,8 nghìn héc-ta rau màu.
Từ đầu vụ, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây vụ đông cho hàng nghìn lượt hộ nông dân, khuyến khích thâm canh những giống cây trồng mới, cho năng suất, sản lượng cao như giống ngô lai, ngô ngọt, dưa chuột, cà chua... Nông dân tích cực áp dụng kỹ thuật canh tác như làm đất tối thiểu, che phủ nilon, đồng thời chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo phương pháp “5 đúng và 1 cân đối”. Do vậy, nhìn chung rau màu vụ đông phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng khá. Không những bảo đảm năng suất, sản lượng, rau màu vụ đông còn cho giá trị cao về kinh tế với sản phẩm phong phú, đa dạng, dễ tiêu thụ, bán được giá, nhất là những loại cây có giá trị hàng hoá, xuất khẩu như dưa chuột bao tử, dưa chuột quả dài, ngô ngọt, ngô nếp hàng hóa… Ngay từ đầu vụ, các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân đã về địa phương hợp đồng với nông dân trồng, tiêu thụ cây rau màu xuất khẩu theo đơn giá thoả thuận. Nhìn chung, diện tích trồng cây rau màu xuất khẩu được quy hoạch theo vùng, nông dân chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên sản phẩm đạt chất lượng, được doanh nghiệp thu mua đúng với giá hợp đồng. Mỗi sào rau màu xuất khẩu cho thu lãi 3 - 5 triệu đồng.
Cùng với hiệu quả của các loại rau màu vụ đông như dưa chuột xuất khẩu, rau xanh các loại, vụ đông 2023 - 2024, nông dân trong tỉnh gieo trồng được 845 héc-ta bí xanh, bí ngô, cho thu lãi bình quân 2 - 3 triệu đồng/sào/vụ. Qua đánh giá của các địa phương, một số loại cây trồng ưa lạnh như: Khoai tây, su hào, bắp cải… phát triển chậm hơn so với các vụ trước, chất lượng không cao. Tuy nhiên, bù lại, rau màu được giá và tiêu thụ thuận lợi, trung bình mỗi sào cho thu lãi 3 - 5 triệu đồng.
Mô hình trồng dưa chuột tập trung, quy mô lớn của huyện Kim Động
Đến ngày 10/1, nông dân huyện Kim Động gieo trồng được 754 héc-ta rau màu vụ đông, đạt 108% kế hoạch, đồng thời thu hoạch được 431 héc-ta rau màu các loại. Vụ đông này, huyện chỉ đạo các địa phương xây dựng được 14 mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích 120 héc-ta. Các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao; trong đó, mô hình trồng bí đỏ với diện tích 35 héc-ta của xã Vĩnh Xá, 15 héc-ta của xã Nhân La được thương lái thu mua tại ruộng với giá trung bình 7.000 – 10.000 đồng/kg; mô hình trồng ngô thương phẩm tại các xã Mai Động, Hiệp Cường, Ngọc Thanh, Đức Hợp được thương lái thu mua tại ruộng với giá bán ổn định.
Vụ đông 2023 – 2024, các địa phương trong tỉnh xây dựng được 39 mô hình sản xuất tập trung với diện tích thực hiện 515 héc-ta; trong đó có 12 mô hình trồng bí ngô, bí xanh với diện tích 205 héc-ta; 13 mô hình trồng ngô nếp, ngô tẻ lai F1 với diện tích 175 héc-ta; 8 mô hình trồng rau an toàn, rau VietGAP với diện tích 75 héc-ta; 2 mô hình trồng dưa chuột hàng hóa, dưa chuột xuất khẩu với diện tích 20 héc-ta, 2 mô hình trồng cây dược liệu với diện tích 40 héc-ta... Các mô hình trên đều có liên kết tiêu thụ sản phẩm và có thương lái thu mua ngay tại ruộng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với thâm canh thông thường 1,5 - 2 lần.
Qua khảo sát ở các địa phương, việc thu hoạch và tiêu thụ rau màu vụ đông có nhiều thuận lợi, tư thương, các đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động ký hợp đồng với nông dân, đến thời kỳ thu hoạch tổ chức thu gom tại đầu ruộng tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất, thu hoạch. Mặc dù mang lại hiệu quả khá cao, song sản xuất vụ đông gặp không ít khó khăn, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công làm đất, xăng, dầu… đều tăng và ở mức cao, trong khi giá sản phẩm cây vụ đông tăng nhẹ, gây khó khăn cho nông dân trong đầu tư thâm canh cây vụ đông, giảm hiệu quả sản xuất. Nguồn nhân lực vào làm trong các doanh nghiệp và dịch vụ thương mại, xây dựng… nên nhiều nơi thiếu lao động, nhất là các huyện phía Bắc của tỉnh. Nhiều địa phương sản xuất cây vụ đông chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khó khăn trong tưới, tiêu, bảo vệ sản xuất. Mặt khác, một số vùng sản xuất do chưa chủ động được tưới, tiêu nước, đặc biệt là tiêu thoát nước khi có mưa lớn nên hiệu quả kinh tế thấp, nông dân không mặn mà trồng cây vụ đông.
https://baohungyen.vn/cay-trong-vu-dong-cho-nang-suat-hieu-qua-cao-3168957.html