Trong mỗi người đều có kỷ niệm của riêng mình: Một cảnh bi hùng của người chiến sỹ tiến công vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy? hay giây phút đau thương, nghẹn nuốt giọt nước mắt vào trong, chôn cất vội vàng đồng đội thân yêu, rồi lại tiếp tục truy quét quân thù…?
Với tôi, ký ức về giờ phút thiêng liêng ấy lại hoàn toàn khác... đó là chứng kiến những giọt nước mắt của người mẹ, người vợ sung sướng đến tột độ...
Những năm 1974-1975, tôi đang là Trưởng ban Văn hoá Thông tin xã. Ở trên tỉnh có Ty Văn hoá Hải Hưng và Ty Thông tin Hải Hưng, nhưng ở xã thì văn hoá thông tin là một. Thời chiến tranh, làm công tác tuyên truyền gian nan vất vả, nhưng được cán bộ, nhân dân coi trọng lắm. Người ta hay hỏi việc này việc khác, cứ như là cái gì anh cán bộ văn hoá thông tin đều biết.
Ban Văn hoá Thông tin (VHTT) xã được cấp một tờ báo Nhân Dân và một tờ báo Hải Hưng, một chiếc loa gò bằng sắt tây và chiếc đèn bão làm công cụ, vũ khí tuyên truyền. Ngày ấy từ trưởng ban đến tuyên truyền viên đều không có phụ cấp lương. Chủ yếu là ăn công điểm rồi đến mùa HTX nông nghiệp quy ra thóc. Trưởng ban được khoán 180 công, thông tin viên được 144 công/6 tháng. Ngoài thời gian đi hoạt động kẻ vẽ, phát thanh hô loa, tuyên truyền miệng, nói chuyện thời sự, biểu diễn văn nghệ… anh chị em còn tranh thủ thời gian đi lao động sản xuất, đào công sự, đắp ụ pháo tên lửa, phục vụ chiến đấu.
Ngày ấy cả nước đang dốc toàn lực để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trai tráng ra mặt trận hết, chỉ còn ông già bà cả, học sinh và chị em phụ nữ ở làng. Người ta mong tin chồng con sớm trở về đoàn tụ, thông qua đài nghe tin thắng trận, đọc trên báo mà biết những tin tức ở địa phương… Thế nên công tác thông tin tuyên truyền cơ sở cũng quan trọng.
Tôi còn nhớ, sau chiến thắng Tây Nguyên mùa xuân 1975, nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, thì tình hình chiến trường miền Nam có những thay đổi rất nhanh. Ta liên tiếp giải phóng các vùng quân sự và dân cư do địch kiểm soát. Công tác tuyên truyền được quán triệt phải làm thế nào, bằng nhiều cách đem tin chiến thắng từ tiền tuyến khói lửa về từng làng quê, đến với người hậu phương, đang ngày đêm lao động sản xuất làm ra nhiều lương thực tiếp viện cho chiến trường.
Dạo ấy, không ở đâu quần chúng nhân dân không nói tới khí thế chiến đấu, giải phóng miền Nam. Nhiều bà mẹ, người vợ đã khóc hết nước mắt vì thương nhớ chồng con, chỉ mong sao cho đến ngày kết thúc chiến tranh, hưởng cảnh đoàn tụ gia đình. Nhìn chúng tôi kẻ vẽ tranh cổ động, nhiều người thật thà hỏi: Sắp hết chiến tranh chưa, anh thông tin? Bây giờ giải phóng đến đâu rồi, anh ơi? v.v.
Chúng tôi vẽ tấm bản đồ Việt Nam thật to trên bức tường lớn, nơi ngã ba có đông người qua lại. Bên cạnh bản đồ là khẩu hiệu hành động Tất cả cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, tất cả cho thống nhất đất nước! Hàng ngày nghe đài, báo đưa tin giải phóng tỉnh nào, chúng tôi dùng bột màu đỏ tô vào tỉnh đó. Và chẳng bao lâu, tấm bản đồ choán hết màu đỏ. Người dân ít chữ xem cũng biết là quân ta sắp tiến vào Sài Gòn. Không chỉ thế, chúng tôi còn làm một bảng cập nhật thông tin từng ngày đã giải phóng thêm tỉnh nào…
Sang ngày 29.4.1975, quân ta áp sát Sài Gòn, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc những bản tin dạt dào khí thế chiến thắng. Bằng linh cảm nghề thông tin, tôi nhận rằng sắp kết thúc chiến tranh, Sài Gòn chắc chắn được giải phóng. Bây giờ cần làm cái gì để đón đầu, để không bị động. Và tôi có cách.
Giữa trưa ngày 30 tháng 4, tức ngày Bính Ngọ 19 tháng Ba, tôi đang ở nhà người hàng xóm, bỗng nghe chiếc đài lắp trong nhà vang lên: Sài Gòn đã giải phóng. Tôi giật mình chạy lên vặn to âm lượng để nghe cho thật rõ và chạy về nhà lấy tất cả pa nô, áp phích các cỡ to nhỏ, đã được chuẩn bị trước, phân công anh chị em thông tin viên treo lên những vị trí đã định hướng về ba ngả đường. Trên cổng chào được cắm hồng kỳ, quốc kỳ, cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam.
Chỉ chốc lát ở ngã ba cùng lúc xuất hiện những khẩu hiệu: “Sài Gòn đã giải phóng, Miền Nam đã giải phóng”. Những chữ tung ra đúng lúc thực sự làm rạo rực lòng người. Hàng trăm lượt người qua đây không ai không dừng xe, dừng bước ngước nhìn thích thú, sướng vui. Họ hỏi nhau, chia sẻ niềm phấn khởi, và bày tỏ tình cảm của mình trước sự kiện lịch sử của dân tộc. Một bà mẹ lưng còng, khuôn mặt nhăn nheo đứng nghe người xung quanh đọc tin, bàn tán mà giàn giụa nước mắt vì sung sướng: Con ơi, hoà bình rồi, mong con sớm về với mẹ. Một chị xã viên vừa ở đồng về, mồ hôi thấm bết mái tóc, nghển cổ đọc dòng chữ bảng tin, bỗng quay đi nghẹn ngào, với đôi mắt đỏ hoe… Nỗi khát đợi tin hoà bình để chồng chị có thể trở về đoàn tụ đã đến rồi. Chị sung sướng nhưng nén lại trong lòng.
Cần nói rằng, ngày ấy phương tiện thông tin thật nghèo nàn. Trong làng chỉ có vài ba chiếc đài lắp âm thanh không chất lượng, báo chí càng hiếm. Cấp huyện, cấp xã chưa có hệ thống truyền thanh riêng như bây giờ, chủ yếu là nghe truyền thanh tỉnh, nhưng truyền dẫn về tận làng không phải lúc nào cũng nghe được. Vì vậy, tin giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam do chúng tôi đưa ra kịp thời làm cho nhân dân quanh vùng phấn khởi…
Đêm ấy, chúng tôi tổ chức một chương trình truyền thanh đặc sắc chào mừng ngày giải phóng miền Nam. Thoạt đầu là ba hồi kẻng (kẻng làm bằng vỏ bom câm của giặc Mỹ, dùng để gõ báo hiệu lệnh đi làm của hợp tác xã) tiếp đến ba hồi trống trận rung động làng thôn, sau là tiếng loa đọc tin chiến thắng, giải phóng Sài Gòn. Rồi các cô gái trong đội hát những bài ca đại thắng. Lại đọc tin, lại hát, lại đánh trống cho đến đêm khuya.
Những bức ảnh trên báo Nhân Dân, báo Hải Hưng được cắt dán, biên tập thành chủ đề, chủ điểm mang đi triển lãm cho nhân dân xem. Bộ triển lãm có hàng trăm tấm ảnh với nội dung phong phú, chân thực và cảm động: Nào là Những chiến tích anh hùng, nói về nhân vật sự kiện, nào là Đất bồi khép kín vết thương, miêu tả cảnh đồng bào miền Nam trở về làng, giúp nhau dựng lại nhà, ổn định cuộc sống trong những ngày đầu hoà bình…
45 năm trôi qua, hình ảnh về ngày 30.4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vẫn còn sống động. Tôi vẫn nghe vẳng bên tai tiếng người phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam hào sảng: Đồng bào chú ý, 11giờ30 phút ngày 30 tháng tư năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng.
http://baohungyen.vn/van-hoa/202004/ve-ngay-30-thang-4-o-lang-que-nam-ay-53e5e5c/