Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm nhằm hiện thực hóa lời mời giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sau cuộc điện đàm ngày 29/3/2023 nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Việc duy trì đều đặn các cuộc tiếp xúc cấp cao góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực.
Tại cuộc hội đàm tháng 7/2013, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Ảnh: Nguyễn Khang-TTXVN
Tháng 7/2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ "Đối tác toàn diện". 10 năm qua, hai nước đã chứng kiến mối quan hệ phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên tất cả các lĩnh vực và ở bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Trên lĩnh vực song phương, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ từ chính trị, ngoại giao, kinh tế - thương mại đến văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế, quốc phòng - an ninh, giao lưu nhân dân..., đúng với ý nghĩa “Đối tác toàn diện”.
Quan hệ kinh tế - thương mại là trụ cột phát triển nhanh nhất, mạnh nhất
Có thể nói, quan hệ kinh tế là động lực thúc đẩy quan hệ nói chung giữa hai nước. Trong 10 năm qua, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng hơn 5 lần, từ 25 tỷ USD năm 2012 lên gần 140 tỷ USD. Hoa Kỳ lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo ngày 11/5/2022 - Ảnh: VGP
Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam liên tục tăng và đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng đang trở thành xu thế. Đó là khoản đầu tư 4 tỉ USD của Việt Nam (VinFast) vào Bắc Carolina, hay các dự án đầu tư của Intel, các công ty Hoa Kỳ khác vào Việt Nam. Điều đó thể hiện niềm tin vào sự thịnh vượng trong tương lai của hai quốc gia.
Hợp tác giáo dục cũng là lĩnh vực ghi nhận sự phát triển vượt bậc. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 5 xét về nguồn cung cấp sinh viên nước ngoài tại Hoa Kỳ. Hàng năm có từ 23.000 đến 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ, trước đại dịch Covid-19, có năm đã đạt hơn 31.000. Hiện nay con số này đạt khoảng 30.000 sinh viên. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á có sinh viên theo học ở Hoa Kỳ. Những con số trên gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tin cậy và tình hữu nghị giữa hai nước.
Phía Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục tạo thuận lợi để tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, hoan nghênh việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ở khu vực.
Một buổi triển lãm du học Mỹ. Ảnh: Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.
Trên lĩnh vực du lịch, khách du lịch Hoa Kỳ luôn duy trì trong tốp 5 số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt trung bình 800.000 lượt/năm trước đại dịch. Sau đại dịch, hai nước đang phấn đấu hướng đến mục tiêu đón 1 triệu lượt khách du lịch Hoa Kỳ tới Việt Nam.
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên cao và đạt nhiều kết quả cụ thể. Hai bên dành nhiều nguồn lực và đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, xác minh hài cốt của bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh, tẩy độc dioxin. Phía Hoa Kỳ đã làm sạch thành công một phần sân bay Đà Nẵng, cho phép sân bay mở rộng vùng tiếp đón máy bay, làm sạch một số khu vực đất cộng đồng xung quanh, cho phép sử dụng khu vực đó vào mục đích phát triển kinh tế và các mục đích khác. Sau Đà Nẵng, Hoa Kỳ hiện đang xúc tiến triển khai dự án tương tự đối với sân bay Biên Hòa. Phía Hoa Kỳ cũng giúp Việt Nam rà phá bom mìn còn sót lại, hỗ trợ người khuyết tật, những người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Các cơ quan Việt Nam đã phối hợp cùng phía Hoa Kỳ tìm kiếm, xác định và trao trả hài cốt của 733 quân nhân Mỹ mất tích. Đây là những nỗ lực rất quan trọng giúp xây dựng lòng tin và tình hữu nghị, thúc đẩy hòa giải, giúp mở đường cho tương lai giữa hai nước.
Từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1995, các Tổng thống Hoa Kỳ đều thăm Việt Nam
Việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc thường xuyên tại các diễn đàn đa phương đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, hai nước luôn duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao đều đặn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã đi thăm Hoa Kỳ. Tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1995 đến nay cũng đều thăm Việt Nam. Các cuộc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc duy trì đà và tạo thêm xung lực cho quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV vào tháng 7 năm nay cho biết: Năm 2023, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ “Đối tác toàn diện”, hai nước đã tăng cường các cuộc tiếp xúc song phương. Tháng 2 năm nay, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Catherine Tie đã đến thăm Việt Nam. Theo sau là một loạt các chuyến thăm Việt Nam của các quan chức cấp cao Hoa Kỳ như chuyến thăm của Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Rochelle P. Walensky, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power, Ngoại trưởng Tony Blinken, cũng như Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas Vilsack và mới nhất là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đã có đoàn đại biểu quốc hội cấp cao gồm thành viên thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đại diện cho cả Thượng viện và Hạ viện thăm Việt Nam. Một phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từ trước đến nay cũng đã có mặt tại Việt Nam trong năm nay.
Ông Marc Knapper nhận định: “Tất cả các chuyến thăm này cho thấy Hoa Kỳ quan tâm trở lại ở mức độ rất cao trong mối quan hệ với Việt Nam. Hoa Kỳ rất tin tưởng vào tình hữu nghị với Việt Nam và trong mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước”.
Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và hệ thống chính trị của nhau
Tháng 7 năm 2015, lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Nhân chuyến thăm này, hai bên đã thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Tinh thần này tiếp tục được thể hiện trong 10 năm xác lập Quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Trong cuộc điện đàm hồi tháng 3 năm nay với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng; ủng hộ một Việt Nam "độc lập, tự cường và thịnh vượng"; tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam; nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Joe Biden tại buổi chiêu đãi trọng thể của chính phủ Mỹ ngày 7/7/2015. Ảnh: TWITTER
Còn Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8/2021 khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ vì một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng.
“Tất cả những gì chúng tôi làm với Việt Nam đều dựa trên niềm tin của chúng tôi vào một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, thịnh vượng và kiên cường. Mọi việc chúng tôi làm với Việt Nam đều dựa trên niềm tin chung về toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Và đây là những quan điểm chung của cả hai bên. Niềm tin chung đó đã được làm sâu sắc hơn trong 10 năm qua và tôi tin rằng trong 10 năm tới, nó sẽ tiếp tục củng cố’- Bà Kamala Harris khẳng định.
10 năm thiết lập quan hệ "Đối tác toàn diện" Việt Nam-Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo của Việt Nam và Hoa Kỳ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đều đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua, nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong cuộc điện đàm tháng 3 năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".
https://baohungyen.vn/tiep-tuc-thuc-day-va-lam-sau-sac-hon-quan-he-viet-nam-hoa-ky-3165845.html