Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số. Đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Với mục đích phát triển hạ tầng số băng rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngày 10/10/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 148/KH-UBND về phát triển hạ tầng số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025. Theo đó, hạ tầng số được phát triển nhanh, phát triển trước phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm cơ sở thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định việc phát triển hạ tầng số phải đi trước một bước, trở thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đề ra. Cùng với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai song song, đồng bộ hạ tầng số với các hạ tầng khác như giao thông, điện chiếu sáng, công trình ngầm, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng số hiện đại với các công nghệ tiên tiến như 3G, 4G, 5G, đa dạng hóa dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy nhập Internet của người dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, việc phát triển hạ tầng số đã đạt được một số kết quả nhất định như triển khai được hơn 4 nghìn km cáp quang đến các thôn trên địa bàn tỉnh; 100% xã, phường, thôn có hạ tầng băng rộng cáp quang; 100% xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng di động 4G; Mạng 5G đã và đang được thử nghiệm tại thành phố Hưng Yên. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1,55 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó có khoảng 1 triệu thuê bao di động băng rộng, đạt tỷ lệ 78,8 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 80%; Tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 71,1%; Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 93,66 Mbps; Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 48,29 Mbps; 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị cả 3 cấp từ tỉnh, huyện, xã với 200 điểm kết nối. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đạt 100%; cấp xã đạt khoảng 80%, tỷ lệ máy tính kết nối Internet băng thông rộng đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ hành chính công được cung cấp trên mạng Internet đạt 100%.
Cùng với hạ tầng viễn thông, thì các nền tảng hạ tầng số thiết yếu bao gồm hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT) và các nền tảng số có tính chất hạ tầng hình thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số, chính quyền số đã được phát triển đồng bộ. Đến nay tỉnh Hưng Yên cũng đã phát triển các nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, làm chủ công nghệ, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội bao gồm: Nền tảng định danh và xác thực điện tử quốc gia; Nền tảng địa chỉ số quốc gia; Nền tảng bản đồ số quốc gia; Nền tảng dạy học trực tuyến; Nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ công chức và người dân; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP)…và phát triển các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây còn thấp; Việc phát triển các nền tảng chủ lực cho hạ tầng số mới hình thành, bước đầu triển khai cho nên chưa đạt hiệu quả cao, trong việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng số vẫn còn hạn chế; một số địa phương hạ tầng các cấp còn thiếu đồng bộ, xuống cấp, người dân còn thiếu trang thiết bị số, kỹ năng số để tiếp cận các dịch vụ số.
Để hoàn thành các mục tiêu Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 đề ra, trong thời gian tới tỉnh Hưng Yên sẽ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số; thu hút, huy động mọi nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng, quyền lợi người dùng; tuyên truyền, phổ biến và khích lệ tinh thần, động lực của xã hội, của doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng số, từ đó thay đổi căn bản được thói quen của người dân khi sống trong môi trường xã hội số.