Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915, quê thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng và phụng sự Đảng, trong đó có 2 lần với 10 năm bị chính quyền thực dân bắt tù đầy tại địa ngục trần gian Côn Đảo. Phần lớn thời gian hoạt động cách mạng gắn bó máu thịt với chiến sỹ, đồng bào Nam Bộ trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí là một trong số ít cán bộ đã từng tham gia hoạt động trên khắp ba miền đất nước, giữ nhiều chức vụ chủ chốt của Đảng từ cơ sở đến cấp cao nhất và có những đóng góp to lớn ở những thời điềm đầy thử thách. Đồng chí đã dâng hiến cả cuộc đời cho cách mạng vẻ vang của Đảng và để lại nhiều dấu ấn với những đóng góp quan trọng trong lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam.
Năm 1986, tại đại hội VI của Đảng (1986-1991) đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, là người có công lao to lớn nhất, người đầu tiên khởi xướng trong công cuộc đổi mới. Đóng góp của đồng chí trong sự nghiệp đổi mới thật đáng trân trọng. Đảng Cộng Sản Việt Nam ghi nhận: " Suốt nhiệm kì Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu quan trọng".
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhằm khẳng định, tôn vinh những công lao to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và đáp ứng tình cảm nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên. Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được khánh thành ngày 27/4/2015.
Nằm trong khuôn viên quảng trường Nguyễn Văn Linh, thành phố Hưng Yên với diện tích rộng 2ha, trên nền sân đá granit, được tạc bằng đá xanh Thanh Hóa có chiều cao 8.1m, bệ tượng cao 4.2m, đế cao 1.25m, mặt hướng chính nam. Bức tượng gợi nhớ đến hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Linh khi về thăm quê hương Hưng Yên và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Hưng Yên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Bức tượng ở thế đứng, toát lên vẻ đẹp kiên định, trí tuệ, nhưng rất dung dị và gần gũi. Đặc biệt, hai cánh tay, một buông xuôi thoải mái, bàn tay nắm nhẹ, một khẽ nhấc, bàn tay mở vừa phải trong tư thế rất linh hoạt, chủ động cương quyết. Khuôn mặt với mắt nhìn thẳng, bình tĩnh, song dường như vẫn ẩn chứa nỗi niềm suy tư về đất nước, về thời cuộc trong một thời kì lịch sử nhiều biến động.
Nơi đây còn là địa điểm đẹp, trang trọng để tổ chức các hoạt động tập thể, những dịp lễ lớn của tỉnh cũng là địa chỉ tham quan, vui chơi, học tập đầy ý nghĩa của nhân dân Hưng Yên.
http://hungyentourism.com.vn/tuong-dai-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-c26682.html