Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài nói chuyện với chủ đề "ASEAN: 50 năm hình thành, phát triển và chặng đường phía trước" tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS).
Dưới đây là toàn văn bài nói chuyện:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS). Ảnh: TTXVN
Thưa Ngài Philips J.Vermonte (Phi-líp Véc-mon), Giám đốc Trung tâm,
Thưa quý vị và các bạn,
Nhân dịp sang thăm chính thức nước Cộng hòa Indonesia, hôm nay, tôi rất vui mừng được gặp gỡ và trao đổi ý kiến với quý vị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia - một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Indonesia và khu vực, là thành viên tích cực của mạng lưới các Viện nghiên cứu quốc tế của ASEAN, có bề dày nghiên cứu chiến lược trong suốt hơn bốn thập niên vừa qua, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Trước hết, tôi xin cảm ơn Ngài Giám đốc, Ban lãnh đạo Trung tâm và các bạn đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa này.
Tôi được biết, kể từ khi thành lập từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay, Trung tâm đã có những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu những vấn đề chiến lược hệ trọng của đất nước, của khu vực và thế giới; đề xuất nhiều khuyến nghị về hoạch định chính sách đối ngoại và phát triển của Indonesia cũng như đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết giữa giới học giả và nhân dân các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tôi xin thông báo với quý vị: Trong chuyến thăm Indonesia lần này, tôi đã cùng Ngài Tổng thống Joko Widodo và các vị lãnh đạo Indonesia trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ hai nước, các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Chúng tôi vui mừng thấy rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai dân tộc đã có từ rất sớm. Thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam đã cử danh sĩ, nhà thơ nổi tiếng Cao Bá Quát đi sứ sang Batavia (nay là thủ đô Jakarta) để thúc đẩy quan hệ giao thương giữa hai bên. Và trong thế kỷ 20, mối quan hệ đó lại được tiếp tục nuôi dưỡng, vun đắp bởi tình cảm sâu sắc, hiếm có giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno (Xu-các-nô) cho đến tận hôm nay, khi Việt Nam và Indonesia đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của nhau. Những thế hệ người Việt Nam vẫn còn nhớ mãi tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xuất phát từ một tình bạn hết sức giản dị và gần gũi. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Indonesia và Tổng thống Sukarno thăm Việt Nam trong cùng một năm 1959, nhân dân Indonesia đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Paman Ho (Pa-man Hồ). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gọi Tổng thống Sukarno bằng một cái tên cũng rất trìu mến Bung Karno (Bun-các-nô). Đặc biệt, khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Sukarno đã khẳng định: "Cả hai dân tộc chúng ta đều đã chiến đấu, chiến đấu rất nhiều, và trong cùng tháng 8/1945 cả hai nước chúng ta đều đã tuyên bố độc lập. Cả hai nước đều có lòng tin vững vàng và nhờ đó chúng ta đứng vững. Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu". Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chia tay Tổng thống Sukarno đã tặng câu thơ: "Nước xa mà lòng không xa/Thật là bầu bạn, thật là anh em"!
Thưa quý vị,
Indonesia có vị trí địa lý chiến lược, vị thế và uy tín quốc tế cao, cả ở tầm khu vực và toàn cầu, xuyên suốt từ thập niên 50 của thế kỷ trước: Là nước nêu ý tưởng đầu tiên và là một trong 5 nước sáng lập Phong trào không liên kết với việc đăng cai Hội nghị Băng Đung lịch sử năm 1955; là một trong những nước sáng lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1967 và Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) năm 1969; có vai trò đi đầu trong các nỗ lực hợp tác của ASEAN với sáng kiến tổ chức cuộc gặp không chính thức Jakarta (JIM) trong những năm 80 để góp phần tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia; chủ trì Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của ASEAN cho ra đời Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) mang tính nền tảng, định hướng lâu dài cho hợp tác khu vực.
Giờ đây, Việt Nam và Indonesia đều là những nước thành viên quan trọng của Cộng đồng ASEAN, hai nước đã có quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2013. Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích và giá trị tương đồng, nhiều nhận thức và quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Thời gian qua, chúng ta đã và đang chứng kiến những bước phát triển rất tích cực trong quan hệ hai nước, nhất là trong việc thực hiện "Chương trình hành động giai đoạn 2014 - 2018 triển khai quan hệ đối tác chiến lược". Hợp tác trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và sự phối hợp trên các diễn đàn khu vực, quốc tế là những điểm sáng. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, những vướng mắc được từng bước tháo gỡ nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng to lớn của mỗi nước. Việc không ngừng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc của cả Indonesia và Việt Nam, giúp tăng cường nội lực của mỗi nước, tạo dựng môi trường an ninh thuận lợi, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của hai nước ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Vào những ngày này, chúng ta đang kỷ niệm sự kiện đặc biệt ASEAN ra đời cách đây 50 năm. Việt Nam chúng tôi cũng đang kỷ niệm 22 năm ngày gia nhập ASEAN. Đây là dịp thích hợp để chúng ta cùng suy ngẫm về chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, rút ra những bài học bổ ích và cùng nhau xác định tầm nhìn chiến lược mới và những chính sách, biện pháp phù hợp, nhằm bảo đảm một tương lai phát triển bền vững cho khu vực chúng ta. Từ góc độ của Việt Nam, tôi xin được chia sẻ cùng quý vị và các bạn một số suy nghĩ về khu vực Đông Nam Á, về ASEAN và Việt Nam:
Đông Nam Á là một khu vực có những nét riêng và chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử thế giới. Khu vực này vốn được coi là hành lang, cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. Đây là khu vực giàu tài nguyên, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng; án ngữ con đường yết hầu thế giới từ Tây sang Đông và là một trong những khu vực quan trọng nhất cho tương lai của các mối quan hệ giữa các nước lớn.
Đông Nam Á nổi bật với đ