Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 571/QĐ-UBND ngày 25/2/2022 phê duyệt đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên cũng đã lấy ngày 10 - 10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số. Tại hội nghị phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số tỉnh năm 2023, có nhiều tập thể, cá nhân đã phát biểu hưởng ứng, đồng thời bày tỏ quyết tâm cao, sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số tham luận tại hội nghị:
Phù Cừ là huyện nông nghiệp, có điểm xuất phát thấp, không có nhiều lợi thế phát triển kinh tế so với các địa phương khác trong tỉnh. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vươn lên, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó đặc biệt chú trọng công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng mức độ hài lòng của người dân. Nhờ đó, tất cả các chỉ số đánh giá như: chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của UBND huyện, chỉ số cải cách hành chính của huyện Phù Cừ năm 2022 đều tăng mạnh.
Nhận thức được xu thế và tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, huyện Phù Cừ đã sớm xây dựng Nghị quyết, kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và huy động tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn huyện tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng lên; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư; các ứng dụng, nền tảng số trọng yếu của tỉnh được khai thác, vận hành ổn định, từng bước làm thay đổi diện mạo nền hành chính, thay đổi tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; các nhiệm vụ, mô hình của Đề án 06 đã và đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, lộ trình đề ra. Cụ thể: tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt 99,9%; số hóa hồ sơ đạt 95,9%; thanh toán trực tuyến đạt 90%; thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện cấp trên địa bàn; chia sẻ thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ các hoạt động như: khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quản lý hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chi trả trợ cấp, thu phí không dùng tiền mặt… Kịp thời thành lập và đẩy mạnh hoạt động của 54 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 54 thôn trên địa bàn huyện trong việc hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, nền tảng số. Đồng thời, tích cực phối hợp hỗ trợ mã QR code truy xuất nguồn gốc, đăng tải quảng bá thông tin và đưa các mặt hàng được xếp hạng OCOP của huyện lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Những kết quả trong thực hiện Đề án 06 và Đề án chuyển đổi số bước đầu đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, đảng viên, công chức, người lao động và nhân dân trong toàn huyện; đồng thời cũng thể hiện rõ những nỗ lực của huyện Phù Cừ trong thời gian qua và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Cừ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới.
Tuy công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Phù Cừ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: nhận thức về chuyển đổi số của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cũng như hiểu biết của người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện về các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số, kỹ năng số còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số vẫn còn khó khăn (Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet thấp; chất lượng, cấu hình nhiều máy tính chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc thực hiện chuyển đổi số, số hoá; thiếu các loại thiết bị khác: máy in, máy scan…); việc thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp chưa đảm bảo lộ trình chung; số lượng các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử còn hạn chế; việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt chưa thu hút đông đảo người dân tham gia;… Phát huy những kết quả đã đạt được cùng những giá trị từ chuyển đổi số mà người dân bắt đầu được thụ hưởng trong thời gian qua, đồng thời hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phù Cừ quyết tâm tích cực thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới; nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số.