Đảo là nhà, biển là quê hương
Đoàn công tác của chúng tôi lần này đến 7 đảo với 13 điểm đảo, được gặp gỡ và nghe kể nhiều câu chuyện thật cảm động về những tấm gương cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa bền gan, vững chí. Đến điểm đảo Đá Tây B đúng đợt những vườn rau xanh bị nước biển đánh ngập hôm trước, rau chỉ còn màu úa vàng. Cán bộ, chiến sỹ trên đảo vừa phải che chắn lại để khẩn trương trồng mới. Bởi vậy mà món rau tươi trong bữa ăn của những chiến sỹ ở đây phải thay thế bằng rau sấy.
Đá Tây B cũng là điểm đảo thường xuyên bị sét đánh, làm hư hỏng các thiết bị máy móc. Nhiều ngày nay, do bị sét đánh hỏng hệ thống tuabin gió, nên trên đảo phải dùng máy nổ phát điện, dùng đèn pin trong sinh hoạt hàng ngày. Khó khăn là vậy, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, Thượng úy Đinh Văn Công, quê ở Thanh Hóa vẫn cười rất tươi bảo: Mình thấy cuộc sống vẫn tốt, mọi người rất yêu thương nhau!. Còn tại điểm đảo Đá Tây A, chúng tôi gặp Trung úy, quân y Lê Văn Đăng, quê ở Phú Thọ. Ngày anh nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, đứa con lớn mới được 6 tháng tuổi. Khi anh về nghỉ phép, cháu được hơn 2 tuổi. Anh nhớ mãi, cái lần háo hức được về nghỉ phép thăm gia đình. Anh đi thật nhanh trên con đường làng để về nhà. Vợ bế con anh ra đón. Nhìn anh - người đàn ông gầy gò, đen nhẻm, đứa con quay đi rồi khóc thét lên. Lần đầu tiên nước mắt rơi trên khuôn mặt người lính đảo. Những ngày sau đó ở nhà, anh tranh thủ từng phút giây để gần gũi, nựng nịu con. Vợ anh thường xuyên đem ảnh của anh ra cho con nhìn. Dần dần khoảng cách cha - con mới gần lại và con anh mới chịu gọi một tiếng Bố. Bây giờ cả hai đứa con anh gần như ngày nào cũng đòi mẹ gọi điện cho bố, đòi xem hình ảnh bố qua zalo, facebook nhưng ở đây sóng Internet rất yếu, nên không thể cho con xem hình ảnh của anh mà chỉ qua những cuộc gọi điện. Vượt lên những phút giây nhớ nhà, anh Đăng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng với đơn vị cứu giúp nhiều ngư dân bị nạn, đau ốm khi ra khơi đánh bắt hải sản.
Chiến sỹ điểm đảo Thuyền Chài B đọc thư của người thân gửi từ đất liền. |
Còn tại đảo An Bang, chúng tôi được gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên hóa học, quê ở Nghệ An. Vừa qua, khi đang làm nhiệm vụ trên đảo, anh nhận được tin bố đẻ qua đời. Mặc dù không thể về thắp nén nhang tiễn biệt người cha già, anh vẫn luôn quyết tâm trở thành người đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh bảo, ở đây cũng như nhà mình, anh em, đồng đội tổ chức lập bàn thờ và viếng. Mỗi người chiến sỹ khi nhận nhiệm vụ ở Trường Sa đều lưu lại những bức ảnh của người thân ruột thịt trong máy điện thoại trước khi lên đường. Mình xác định biển, đảo còn thì gia đình mình còn. Biển, đảo của Tổ quốc mà không còn thì mình cũng không còn. Bởi vậy mà dù khó khăn đến đâu mình cũng phải vượt qua, quyết giữ gìn biển đảo thiêng liêng.
Mỗi hải trình chúng tôi đi qua đều được chứng kiến những tấm gương anh dũng, những câu chuyện cảm động về những người lính Trường Sa. Các anh như những bông hoa tươi thắm nở giữa phong ba, bão táp của biển cả.
Điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi
Mỗi điểm đảo ở Trường Sa là một điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Thật kỳ diệu, ở nơi khắc nghiệt và thiếu thốn nhất giữa trùng khơi luôn thắm thiết tình quân - dân. Mỗi cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa xác định, giữ vững chủ quyền phải làm tốt công tác dân vận. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ, chiến sỹ. Cụm đảo Đá Tây nằm cách đảo Trường Sa 22 hải lý về phía Đông Bắc. Ở giữa đảo có hồ hình vành khuyên, thuận tiện cho tàu, thuyền neo đậu, tránh, trú bão. Trung tá Nguyễn Văn Tứ, Chính trị viên đảo Đá Tây cho biết, trong năm 2018, các điểm đảo Đá Tây đã chủ trì, phối hợp với Trạm Biên phòng, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khám, chữa bệnh cho 113 ngư dân, cấp cứu 3 ngư dân bị ngộ độc, gặp tai nạn trong quá trình đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, các điểm đảo Đá Tây còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm như gạo, mì tôm, đá cây, phụ tùng; tư vấn sửa chữa và sửa chữa miền phí tàu, thuyền cho ngư dân. Đảo Đá Tây thực sự là chỗ dựa tin cậy, là động lực cho ngư dân ra khơi.
Còn với đảo An Bang tuy là đảo sóng gió dữ dội nhất, nhưng với nghĩa tình của người lính hải quân, các tàu cá của ngư dân luôn yên tâm đánh bắt hải sản trong vùng lãnh thổ của tổ quốc. Không chỉ là nơi cung cấp nước ngọt, rau xanh, thực phẩm tươi, thuốc men cho ngư dân mà còn là nơi cứu giúp nhiều tàu, thuyền của ngư dân khi gặp nạn. Khi chúng tôi tới đảo An Bang được biết mới đây, cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã cứu giúp thành công 31 ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn khi tàu chuẩn bị chìm cách đảo 1 hải lý. Nhận được tín hiệu kêu cứu phát đi từ tàu ngư dân đúng vào lúc sóng gió dữ dội nhất, chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã tập trung toàn bộ lực lượng phát đi tín hiệu tới các tàu khác trong khu vực cùng đến cứu nạn. Toàn bộ ngư dân trên tàu gặp nạn đã được đưa lên đảo an toàn, được cán bộ, chiến sỹ trên đảo cung cấp thuốc men, lương thực, thực phẩm cho đến khi có tàu đến đón. Trung tá Vũ Quang Minh, Chính trị viên đảo An Bang chia sẻ rằng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng chính là giúp đỡ ngư dân bám biển dài ngày. Mỗi cán bộ, chiến sỹ, mỗi tàu, thuyền, ngư dân của Việt Nam chính là cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển, đảo.
Tạm biệt các điểm đảo chúng tôi đã đi qua khi cơn dông trên biển vừa ập đến, những hạt mưa làm ướt vai áo người chiến sỹ nhưng hình ảnh các anh vẫn hiên ngang bồng súng nơi cột mốc chủ quyền. Đó mãi mãi là những cột mốc sống, là hình ảnh sống mãi trong lòng mỗi người con đất Việt.