.
Vườn hoa cúc của bà Nguyễn Thị Loan, xã Chính Nghĩa (Kim Động)
Nhận thấy việc trồng hoa cúc cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa cộng với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây hoa cúc nên nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi đưa cây hoa cúc về trồng. Hiện nay, toàn xã có khoảng 30 hộ trồng cây hoa cúc các loại với tổng diện tích khoảng từ 17 – 20héc-ta. Hộ trồng nhiều nhất là hộ anh Nguyễn Văn Toàn trồng gần 4 mẫu hoa cúc kết hợp với trồng hoa dơn. Với kinh nghiệm và kỹ thuật chăm bón ngày càng được nâng cao của người dân, thêm vào đó là thị trường tiêu thụ thuận lợi nên diện tích trồng hoa cúc của xã không ngừng được mở rộng.
Cách đây 10 năm, gia đình bà Nguyễn Thị Loan chỉ trồng lúa và hoa màu nên thu nhập không cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây hoa cúc mang lại, gia đình bà đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây hoa cúc. Ban đầu, bà trồng hoa cúc vàng và cúc pha lê, những buổi đầu ít kinh nghiệm, bà gặp không ít khó khăn trong quá trình trồng và chăm sóc cây nên hiệu quả chưa cao. Sau khi được Hội Nông dân xã giới thiệu về kyx thuật trồng, chăm sóc hoa cúc, mô hình trồng hoa cúc trong nhà lưới… đã giúp bà có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Những năm gần đây, bà chuyển hẳn sang trồng cây cúc tàu bởi hoa to, đẹp, lâu tàn, được thị trường ưa chuộng. Với giá bán trung bình 3 - 4 nghìn đồng mỗi bông, trừ chi phí mỗi năm gia đình bà thu lãi khoảng 300 – 400 triệu đồng. Nhờ trồng hoa cúc đã mang lại cho gia đình bà nguồn thu nhập đáng kể, xây dựng được nhà cửa khang trang, đời sống được nâng lên. Hiện nay, gia đình bà đã mở rộng diện tích trồng hoa cúc lên hơn 1 mẫu. Bà Loan chia sẻ: Trồng hoa cúc không khó nhưng để hoa to, đẹp đáp ứng nhu cầu của thị trường thì ngoài yếu tố cây giống, người trồng phải kiên trì, tỉ mỉ tuân thủ yêu cầu kỹ thuật thì cây sẽ nở đúng dịp và cho giá trị cao. Khi cây bị sâu bệnh cần có biện pháp xử lý kịp thời. Cây hoa cúc cần tưới nước thường xuyên nhưng chỉ cần một lượng vừa phải. Để cây ra hoa vào đúng dịp tết cần áp dụng một số biện pháp khoa học kỹ thuật như điều chỉnh lượng phân bón sao cho phù hợp, điều chỉnh độ ấm, độ ánh sáng của cây. Trong quá trình trồng, các luống cần phải có khung giấy bóng che mưa nắng, tránh côn trùng làm ảnh hưởng đến chất lượng hoa.
Ưu điểm của cây hoa cúc là dễ chăm sóc, thời gian cho thu hoạch ngắn, chủ yếu được trồng vào đầu tháng 8, sau từ 4 đến 5 tháng có thể cho thu hoạch hoa. Người trồng có thể tận dụng gốc cây của vụ trước để ươm mầm cho vụ sau giúp người dân giảm chi phí đầu tư giống. Hoa cúc được các hộ dân trong xã trồng chủ yếu phục vụ thị trường trước tết và sau tết. Với giá bán từ 3 đến 4 nghìn đồng 1 bông, trừ chi phí cho thu lãi trung bình từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/sào/vụ. Một số hộ đã tận dụng trồng quanh năm tại vườn để gối vụ bán hoa vào các ngày rằm, mùng một hằng tháng.
Những ngày này, nhiều hộ dân đang tập trung chăm sóc, tỉa nụ, tỉa cành cho cây để chuẩn bị cung cấp hoa cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hội Nông dân xã tích cực tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây hoa cúc. Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, hội đã đồng hành, hỗ trợ hội viên nông dân về giống, vốn, khoa học kỹ thuật để hội viên nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.
Thực tế cho thấy, từ việc trồng cây hoa cúc, nhiều hộ dân trong xã đã có thu nhập ổn định từ vài trăm triệu đồng đến gần một tỷ đồng mỗi năm. Cuộc sống của các hộ dân sung túc, đầy đủ, xây được nhà đẹp, mua sắm ô tô và các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Hoa cúc đã thực sự trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
https://baohungyen.vn/hieu-qua-tu-trong-cay-hoa-cuc-3169017.html