|
Chị Nguyễn Thị Định kiểm tra mũ cối trước khi xuất bán |
Anh Vũ Huy Hào là một trong những người đưa nghề làm mũ cối về thôn Ông Hảo. Trước kia, anh Hào đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất mũ cối tại Hà Nội. Thấy nghề này dễ làm, cho thu nhập ổn định, lại phù hợp với điều kiện tại địa phương nên sau thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, anh đã trở về quê, đầu tư vốn mở xưởng sản xuất mũ cối.
Hiện nay, ngoài 4 thành viên của gia đình, cơ sở sản xuất mũ cối của anh Hào thuê thêm 3 lao động. Trung bình một ngày, cơ sở sản xuất được 200 chiếc mũ cối các loại, lúc cao điểm lên tới 400 – 500 chiếc. Sản phẩm mũ cối có mức giá dao động từ 50.000 – 150.000 đồng/chiếc. Mũ chất lượng cao thường được sản xuất theo đơn đặt hàng của khách.
Anh Hào chia sẻ: “Nghề làm mũ cối không chỉ phát triển kinh tế gia đình, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Người dân quê tôi ví nghề làm mũ cối là nghề “biến phế liệu thành tiền”.
Cẩn thận kiểm tra từng chiếc mũ đã hoàn thiện để chuẩn bị giao hàng cho khách, chị Nguyễn Thị Định, một người sản xuất mũ cối ở thôn Ông Hảo cho biết, một chiếc mũ đạt yêu cầu phải lì, bóng, chỏm phẳng, cầu quai chắc chắn… Thông thường, cơ sở của chị mua cốt mũ từ nơi khác về, sau đó hoàn thiện chiếc mũ cối.
Chị Định cho biết, nghề làm mũ cối có việc làm quanh năm, nhưng cao điểm tập trung từ tháng 2 – 8 âm lịch. Trung bình một ngày, xưởng của gia đình chị Định sản xuất được 300 chiếc mũ cối, cao điểm lên đến 400 – 500 chiếc/ngày. Mũ làm đến đâu bán hết đến đó. Một chiếc mũ cối có thể cho thu lãi từ 10.000 – 20.000 đồng. Mỗi năm, xưởng sản xuất mũ cối đã mang lại cho gia đình chị Định thu nhập trên 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Sớm hơn Liêu Xá, nghề làm mũ cối xuất hiện ở xã Nghĩa Hiệp từ cuối những năm 90 thế kỷ trước. Để “chuyên môn hóa” trong quá trình sản xuất mũ cối, trong xã đã có những hộ chuyên sản xuất cốt mũ và những hộ chuyên hoàn thiện mũ cối.
Với hơn 10 năm làm cốt mũ cối, anh Đặng Hữu Vĩnh ở thôn Thanh Xá cho biết: “Ngoài 3 lao động của nhà, tôi thuê thêm 4 lao động nữa để cùng làm. Trung bình mỗi ngày nhà tôi sản xuất trên 300 chiếc cốt mũ, bán với giá 5.000 đồng/chiếc, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Thu nhập khá là vậy nhưng công việc rất vất vả, nhất là trong các ngày nắng nóng, bởi có công đoạn người thợ luôn phải làm việc bên cạnh những chiếc bếp than rực lửa”.
Theo các hộ dân làm nghề cho biết, làm mũ cối cần sự tỉ mỉ và cẩn thận, từ khâu làm cốt mũ đến khâu hoàn thiện. Quy trình để tạo thành chiếc mũ gồm rất nhiều công đoạn, với mỗi một công đoạn lại đòi hỏi người thợ một kỹ năng khác nhau. Công đoạn đầu tiên và cũng là thu mua và phân loại bìa các-tông. Những tấm bìa các-tông sau khi thu gom, làm sạch ngâm trong nước, sau đó đem nghiền nhỏ cùng nhựa thông. Tiếp theo cho hỗn hợp trên vào “xeo”, “đánh lạnh”, “đánh nóng”. Công đoạn “đánh nóng” vô cùng quan trọng, chiếc cốt mũ làm ra có đủ tiêu chuẩn, có bị rạn nứt hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tay nghề “cầm lửa” của những người thợ. Nếu để nhiệt độ quá thấp, cốt mũ sẽ mềm, bị bẹp còn nhiệt độ quá cao thì sẽ bị rạn nứt lòng mũ và công đoạn này thì chỉ có người thợ lành nghề mới làm được.
Sau khi hoàn thành cốt mũ, người thợ tiếp tục sơn, xoa giấy giáp, quét keo, dán vải và bọc chỏm mũ. Người thợ phải dán vải sao cho mũ phẳng, đối xứng, chỏm mũ phải giữ cố định, có như vậy thì khi gặp nước chiếc mũ sẽ không bị thấm, dột. Cuối cùng là công đoạn lồng quai mũ, bọc giấy...
Ông Nguyễn Hữu Võ, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp: “Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 20 cơ sở chuyên sản xuất cốt mũ và hoàn thiện mũ cối tập trung chủ yếu ở hai thôn Thanh Xá và Yên Lão. Không chỉ tạo thu nhập cao cho các cơ sở sản xuất, nghề làm mũ cối còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng”.