Cách đây 40 năm, ngày 17/2/1979, cả dân tộc Việt Nam đã nghiêng mình tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài 10 năm (1979-1989), chống lại cuộc xâm lược tàn bạo và phi nghĩa của Trung Quốc.
Từ đó đến nay, cứ ngày 17/2, ký ức về cuộc chiến tranh này lại ùa về trong mỗi người Việt Nam. Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng, việc nhìn lại cuộc chiến tranh này, có ý nghĩa cấp bách, đặc biệt trong các quan hệ quốc tế hiện nay.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ
Đánh giá đúng về lịch sử để không bị mắc bẫy
PV: Theo ông, thế hệ hôm nay phải hiểu thế nào về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc cho đúng với sự thật lịch sử của cuộc chiến này?
Ông Trần Công Trục: Có thể nói đây là một sự kiện lịch sử bi tráng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Việc chúng ta cần phải nhắc đến nó, ghi nhận nó một cách thực sự khách quan, lấy chuẩn mực pháp lý quốc tế làm thước đo để đánh giá, là việc làm hết sức quan trọng. Qua đó rút ra bài học quý giá trong ứng xử với các mối quan hệ quốc tế và đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc.
Chỉ khi nào chúng ta đánh giá đúng và sòng phẳng về lịch sử, chúng ta mới không mắc bẫy đối phương, củng cố vững chắc đoàn kết dân tộc và tận dụng được tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ từ bè bạn quốc tế và nhân loại tiến bộ.
PV: Ông vừa nói việc chúng ta đánh giá đúng lịch sử để từ đó rút ra những bài học quý giá trong ứng xử. Vậy theo ông, đó là những bài học gì?
Ông Trần Công Trục: Bài học thứ nhất, cần cảnh giác với tham vọng bành trướng bá quyền nước lớn của những thế lực cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã và đang tồn tại trong lịch sử Trung Quốc.
Tham vọng bá quyền, nước lớn, muốn trở thành trung tâm thiên hạ luôn là mục tiêu chiến lược chi phối hoạt động của nhiều nhân vật trong giới cầm quyền Trung Quốc mà trong những thế kỷ trước họ đã gây ra những cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, xã hội phát triển, nhân loại tiến bộ hơn và đặc biệt là sự thể chế hóa và hoàn thiện của hệ thống pháp lý quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ, giải quyết tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp biển đảo ngày nay, làm cho tham vọng của Trung Quốc đã có những biến tướng nhưng bản chất vẫn không thay đổi. Đây là vấn đề mà chúng ta luôn cần đề cao cảnh giác.
Ngày 17/2/1979, Đặng Tiểu Bình đã phát động cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam dưới chiêu bài “phản công tự vệ”, “dạy cho Việt Nam một bài học”, và rất nhiều lý do khác để biện hộ cho hành vi xâm lược của họ và cũng để mê hoặc dư luận, che đậy những hành động phi pháp của họ. Mọi phương tiện, công cụ từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, tuyên truyền được Trung Quốc tung ra sử dụng cho đến thời điểm hiện nay đều nhằm thực hiện bằng được mục tiêu này.
Bài học thứ 2, cần cảnh giác với cái gọi là "Đại cục - Tiểu cục". Trong đó, "tiểu cục" theo họ chỉ là những "bất đồng" về lãnh thổ trong Biển Đông. Những trên một số diễn đàn quốc tế, các lãnh đạo Trung Quốc đó luôn khẳng định rằng "các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc".
Tôi cho rằng, dưới góc độ pháp lý quốc tế, đây là một cái bẫy nguy hiểm mà chúng ta cần hết sức tỉnh táo, để không mắc phải, mà còn có thể tương kế tựu kế giành quyền chủ động.
Có thể thấy rằng, trong lịch sử quan hệ hai nước, có những giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thân mật, gần gũi và cũng có những lúc thăng trầm, đối địch. Đó là thực tế mà chúng ta không thể quên, ghi nhận công lao đóng góp, giúp đỡ của Trung Quốc đối với các cuộc kháng chiến cứu nước của ta. Nhưng chúng ta cũng phải tỉnh táo trước ý đồ “làm cho đối phương nhầm lẫn và đảo ngược vị trí vai trò, chức năng của quan hệ chính trị” trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc theo công ước luật pháp quốc tế.
Cần nhớ rằng, quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc là yếu tố tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho đối thoại giải quyết mâu thuẫn tranh chấp, chứ không phải là căn cứ, cơ sở pháp lý để giải quyết một cách cơ bản, lâu dài những tranh chấp về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại.
Việc Trung Quốc dùng vũ lực để xâm lược và chiếm đóng trái phép đối với các thực thể thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là một câu chuyện pháp lý, không phải vấn đề chính trị. Nhưng người Trung Quốc đang tìm mọi cách chính trị hóa các vấn đề pháp lý bằng mệnh đề "Đại cục - Tiểu cục".
Việt Nam cần phải thể hiện cho Trung Quốc thấy, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm, là điều thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam nên không thể xem đó là "Tiểu cục".
Chỉ có thượng tôn công lý, tôn trọng lẽ phải và sự thật mới có thể mang lại "Đại cục" hòa bình, ổn định, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cảnh giác với chiêu 'không đánh mà thắng"
Ông Trần Công Trục: Chúng ta cũng cần cảnh giác với thủ đoạn không đánh mà thắng của Trung Quốc. Bối cảnh quốc tế và khu vực ngày nay đã khác thời điểm 1974 - 1979 - 1988. Trung Quốc đang ra sức phát triển sức mạnh quân sự. Sau mấy chục năm tăng trưởng kinh tế, họ cảm thấy đã đến lúc tranh hùng với Hoa Kỳ và Biển Đông được chọn làm đột phá khẩu.
Nhưng trong thời đại hiện nay, trình độ nhận thức của nhân loại ngày một văn minh và tiến bộ, luật pháp quốc tế ngày một hoàn thiện, khiến Trung Quốc khó có thể tiến hành các hoạt động phiêu lưu quân sự, sử dụng vũ lực để gây chiến tranh xâm lược như trong những năm 1974, 1979 và 1988. Vì vậy, chiêu bài họ sử dụng "không đánh mà thắng" cực kỳ lợi hại. Họ không và chưa sử dụng vũ lực, nhưng đe dọa sử dụng vũ lực. Những gì diễn ra ở Phú Lâm, Hoàng Sa hay một số đảo nhân tạo xây bất hợp pháp ngoài Trường Sa những năm gần đây là minh chứng rõ nét.
Bài học thứ 4, tôi cho rằng, chúng ta cần phải tìm hiểu rõ về Trung Quốc để có cách ứng xử phù hợp trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng, trên cơ sở bảo vệ và giữ gìn luật pháp - công lý quốc tế. Đó là thái độ của chúng ta, và chúng ta cần phải tỉnh táo để xử lý. Luật pháp và công lý quốc tế chính là thế mạnh và cũng là bàn đạp của chúng ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như hòa bình, ổn định của khu vực và luật pháp quốc tế, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông.
PV: Người dân Việt Nam và đặc biệt thế hệ trẻ Việt Nam có quyền được hiểu đúng ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Thế nhưng, trong một thời gian dài, thông tin về cuộc chiến tranh này lại rất hạn chế?
Ông Trần Công Trục: Đúng thế, nếu chúng ta không đánh giá đúng, không đưa vào lịch sử của dân tộc, chắc chắn thế hệ trẻ sẽ không thể hiểu được cái đúng, cái sai, bản chất thực sự ra sao. Khi không hiểu được có thể sẽ tạo nên những tiêu cực; đặc biệt khối đoàn kết của dân tộc, sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ cũng sẽ có nhiều vấn đề. Và nếu chúng ta không rõ ràng, thì quốc tế cũng không thể hiểu được chính nghĩa khi mà người dân Việt Nam đã phải đổ máu, hy sinh để bảo vệ đất nước.
Thế vậy tại sao đến bây giờ chúng ta mới nói nhiều đến sự kiện đó, theo tôi là có lý do. Với tư cách là người đã từng được trực tiếp gánh vác một số vụ việc trong mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt vấn đề biên giới lãnh thổ, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, thời gian đầu, vì nó là sự kiện diễn ra trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp, trong mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc có chung hệ thống chính trị, lý tưởng, là bạn bè, anh em, đồng chí. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh này có những nét khác với những cuộc chiến tranh xâm lược trước đây trong lịch sử, họ đưa quân vào dọc biên giới nhưng chỉ một khoảng thời gian ngắn rồi rút. Đồng thời lúc đó, các cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và những diễn biến trên biển, tất cả những vụ việc đó đan xen và đều có mối quan hệ với nhau….
Vì vậy những nhà ngoại giao, pháp lý, quân sự cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá thống nhất, chứ không thể hồ đồ, chủ quan. Cho nên sau một thời gian dài xem xét, đánh giá, so sánh, đối chiếu trong lịch sử, cuối cùng ta đã xác định đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc. Họ đã huy động lực lượng quân sự vươt qua biên giới, dùng vũ lực để tàn sát đồng bào, chiến sĩ Việt Nam, xâm phạm biên giới, lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền mà không được sự chấp thuận. Vì vậy, không thể dùng một từ nào khác ngoài từ xâm lược, khi Trung Quốc dùng vũ lực để tàn sát đồng bào, chiến sĩ ta.
Chúng ta với tư cách một quốc gia độc lập có chủ quyền, trước hành động xâm lược của Trung Quốc, chúng ta có quyền cầm vũ khí để tự vệ, bảo vệ lãnh thổ của mình. Đấy là cuộc chiến tranh chống xâm lược.
Theo tôi đây là một kết luận rất có ý nghĩa và giá trị, không thể nhập nhèm như cách Trung Quốc nói là “hành động phản công tự vệ”, càng không thể chấp nhận khi họ nói phải “dạy Việt Nam một bài học”. Cho đến bây giờ, dư luận đang rất đồng tình với những việc chúng ta đã làm.
Để bảo vệ hòa bình thì không cách nào khác là phải giáo dục cho các thế hệ nhận thức đúng đắn về lịch sử, trong đó có 3 cuộc chiến năm 1974, 1979-1989 và 1988. Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không được phép lãng quên lịch sử.
PV: Những bài học như ông vừa nêu có thể xem như đó là cách ứng xử mà ta cần chú ý khi quan hệ với Trung Quốc hiện nay?
Ông Trần Công Trục: Theo quan điểm của tôi, việc chúng ta đánh giá đúng-sai, bạn-thù, phải - trái, tuân thủ luật pháp quốc tế trên cơ sở những ứng xử nhân văn của con người với con người trong cộng đồng, là việc làm có ý nghĩa, sẽ có tác dụng tích cực nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ của các nước, đặc biệt gây dựng được lòng tin đã từng mất đi bởi cuộc xung đột vô lý, phi nghĩa đó.
Còn nếu ai đó muốn cố tình lái lệch đi bản chất của nó để che đậy những âm mưu, toan tính không lành mạnh, đặc biệt những tham vọng chính trị, nó sẽ chỉ làm cho lòng dân yêu nước và dư luận tiến bộ thế giới càng mất đi niềm tin. Chính điều đó tạo nên sự mâu thuẫn và có khả năng gây xung đột nhiều hơn.
PV: Xin cảm ơn ông./.