Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Đặng Ngọc Quỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
|
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá xu thế của kinh tế thế giới, thời cơ và thách thức đối với Việt Nam để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; đề xuất mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhằm triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển của đất nước. Đồng thời, đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện phương châm ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Tại Hưng Yên, thời gian qua, các hoạt động đối ngoại luôn được quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tỉnh tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người Hưng Yên đến với quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh; triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, công nghệ cao… Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về ngoại giao được tăng cường; các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện tốt quy chế quản lý hoạt động đối ngoại, hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các thỏa thuận quốc tế của tỉnh vẫn được triển khai hiệu quả. UBND tỉnh đã ký kết 3 bản ghi nhớ với các đối tác nước ngoài; tiếp nhận 2 khoản viện trợ; thu hút được 15 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt gần 149 triệu USD, đưa tổng số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh lên gần 500 dự án…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực mà ngành Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hội nghị đối ngoại được tổ chức với quy mô toàn quốc đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác đối ngoại trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngoại giao tập trung nghiên cứu chiến lược, tích lũy cơ sở dữ liệu để có được một kho tàng cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện để phân tích kỹ càng, thông tin chính xác. Bên cạnh đó, cần đánh giá những kết quả đã làm được và chưa làm được, để từ đó định hình công tác đối ngoại cho phù hợp.
Về ngoại giao chính trị, Việt Nam cần kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước và là thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Về ngoại giao kinh tế, Việt Nam cần chú trọng hơn vào cải thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, học tập thêm kinh nghiệm quản trị quốc gia, thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp; tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy liên kết xuất, nhập khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu...
https://baohungyen.vn/chinh-tri/202112/hoi-nghi-ngoai-giao-lan-thu-31-94054b6/