|
Bến phà Mễ Sở, xã Mễ Sở (Văn Giang) hôm nay |
Lần theo các cuốn sách lịch sử ghi chép lại, chúng tôi tìm về vùng đất Văn Giang - một trong những vùng cửa ngõ Thủ đô bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt một thời. Mặc dù nơi đây có rất nhiều đạn bom nã xuống, trong đó trận tập kích máy bay B52 rạng sáng ngày 26.12.1972 vào xã Thắng Lợi làm chết nhiều người, nhiều nhà cửa bị đổ sập, 150 mét đê sông Hồng bị phá huỷ… Nhưng hầu như không còn dấu tích của chiến tranh sót lại. Nhân chứng sống ở thời điểm đó giờ tuổi đã cao, nhưng khi được gợi lại những năm tháng cùng quân, dân miền Bắc, quân dân Thủ đô chống trả những trận dội bom B52 của đế quốc Mỹ, ký ức của họ vẫn vẹn nguyên. Nỗi xót xa khi đồng bào đổ máu và vui sướng, tự hào khi quân, dân ta bắn hạ những chiếc máy bay của địch, bắt sống những tên giặc lái… Ông Đặng Văn Lân ở xã Thắng Lợi xúc động nhớ lại: Giai đoạn Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, hầu như ngày nào chúng cũng cho máy bay bay từ tầm cao đến tầm thấp, rải bom tàn phá xóm làng. Nhà cửa đổ nát, có chỗ thành ao sâu, có nhà mất hết người, tài sản… Cụ Nguyễn Thị Quyết đã gần 1 thế kỷ gắn cuộc đời với bến phà Mễ Sở không bao giờ quên hình ảnh phố Mễ nhà cao, đường rộng nằm sát sông Hồng cùng với bến phà Mễ buôn bán sầm uất với nhiều loại hàng hoá phong phú và là địa điểm quan trọng trung chuyển hàng hoá của hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam bị bom đạn của giặc Mỹ san phẳng. Cụ Quyết kể: Mỗi khi nghe tiếng báo động, vừa nhìn lên bầu trời theo tiếng rít quen thuộc, máy bay địch đã lao tới, mọi người vội xuống hầm trú ẩn thì cũng là lúc mọi thứ rung chuyển, gạch đất bắn lên, nhà, cây đổ xuống. Không còn tiếng máy bay, mọi người lại lên mặt đất, tìm kiếm những người không may bị trúng bom, thu dọn những thứ đổ nát và tiếp tục lao động sản xuất.
Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, quân và dân Hưng Yên dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, góp phần cùng với quân, dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước. Trong thời gian giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, từ chiếc máy bay rơi đầu tiên ngày 15.7.1966 đến chiếc cuối cùng tháng 12.1972, mảnh đất Hưng Yên đã trở thành “mồ chôn” 85 máy bay giặc, góp phần bảo vệ Thủ đô yêu dấu từ cửa ngõ phía Đông - Nam. Có những ngày máy bay Mỹ bị “rụng như sung” trên đồng đất Hưng Yên. Như ngày 19.5.1967, trạm tên lửa đóng quân tại Long Hưng (Văn Giang) bắn hạ tới 10 chiếc; ngày 22.6.1967, ta hạ 4 máy bay giặc. Đêm 22.12.1972, khi một chiếc máy bay B52 bị bắn rơi, phi đội bay của Mỹ nhảy dù xuống địa bàn huyện Mỹ Hào (nay là thị xã Mỹ Hào), quân và dân nơi đây đã bắt gọn cả tốp giặc lái Mỹ... Ý chí quật cường, tinh thần yêu nước trong những ngày gian khó đã tạo thành động lực cho mỗi người dân khi đó không ngừng nỗ lực lao động, học tập, nguyện góp sức mình cho sự phát triển của quê hương.
Trên quê hương Hưng Yên những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (1972-2022), về những vùng đất chịu nhiều đau thương thời chiến tranh như các xã: Thắng Lợi, Mễ Sở (Văn Giang), Xuân Dục (thị xã Mỹ Hào)… nay không còn dấu tích của chiến tranh, thay vào đó là những gam màu tươi sáng với các khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại, những xóm làng trù phú, những con đường mới rộng thênh thang, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát, những công trình phúc lợi khang trang, sạch đẹp, đời sống Nhân dân ổn định, nhiều ngành nghề mới phát triển. Xã Mễ Sở (Văn Giang) phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong kháng chiến, trong lao động thời kỳ đổi mới, nay tiếp tục đoàn kết, sáng tạo xây dựng quê hương phát triển về mọi mặt, là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, xã đang tiếp tục hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại V. Còn với xã Thắng Lợi, chọn cho mình hướng đi riêng trong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, nâng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt khoảng 450 triệu đồng/năm; 9/9 thôn của xã đều đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nơi những hố bom cày xới ngày nào, nay đã mọc lên ngôi trường mới, hàng ngày các em nhỏ được các thế hệ thầy giáo, cô giáo truyền dạy kiến thức để làm người, biết yêu chuộng hoà bình, trân trọng công lao hy sinh của các thế hệ cha ông và trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Trên quê hương cách mạng thuở nào, hôm nay vang vọng những thanh âm mới, rộn ràng niềm tin về một tương lai tốt đẹp, là động lực để những vùng đất từng mang “vết sẹo” chiến tranh, vượt qua đau thương, vươn tầm cao mới.
https://baohungyen.vn/chinh-tri/202205/gop-suc-lam-nen-tran-dien-bien-phu-tren-khong-7c60555/