Trải qua bao thăng trầm, với nhiều người dân trong thôn thì nghề rèn không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình mà còn là nghề truyền thống của ông cha để lại, cần phải tiếp tục được duy trì và phát triển.
|
Một cơ sở làm nghề |
Đến thôn Vân Ngoại, chúng tôi được “mục sở thị” những người thợ rèn nơi đây làm ra những chiếc liềm, cuốc… để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh Nguyễn Văn Nguyên, Phó trưởng thôn Vân Ngoại cho biết: Vào lúc thịnh vượng nhất, nghề lao động thủ công được xem là vất vả này đã tạo việc làm ổn định cho hơn 70 hộ dân địa phương. Vượt qua những khó khăn, gian khổ trong nghề, đến những năm 1990 được xem là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghề. Khi ấy, các hộ làm nghề hầu hết đều đầu tư mua búa máy, quạt điện thổi bễ… thay cho làm thủ công như trước kia, lò nung thép khép kín, từ đó giúp giảm chi phí nhiên liệu, năng suất lao động được nâng lên, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, trong quá trình làm nghề, nhiều thợ rèn trong thôn đã mở rộng các xưởng làm nghề ở nhiều địa phương trên cả nước, đưa sản phẩm của quê hương tới khách hàng”.
Tuy nhiên trong gần 10 năm trở lại đây, nghề rèn nơi đây đã không còn nhiều hộ trong thôn duy trì. Một số hộ đã chuyển sang phát triển kinh tế bằng các ngành nghề khác. Mặc dù vậy, với quyết tâm lưu giữ nghề truyền thống của quê hương, hiện nay, trong thôn vẫn có khoảng 25 hộ duy trì và phát triển nghề rèn.
Nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, thời gian qua những hộ làm nghề trong thôn thường xuyên thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vốn để mở rộng nhà xưởng, mua ô tô nhằm phục vụ quá trình sản xuất, vận chuyển… Các hộ làm nghề có mức thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng/hộ/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
|
Các sản phẩm nông cụ được sản xuất ở thôn Vân Ngoại, xã Hồng Tiến (Khoái Châu) |
Gia đình ông Hoàng Văn Báo đã gắn bó với nghề rèn từ 20 năm nay, vượt qua bao thăng trầm của nghề, ông vẫn bền bỉ gắn bó với nghề và tạo ra thu nhập ổn định từ nghề truyền thống của cha ông.
Ông Báo chia sẻ: “Hiện nay, người dân có nhiều cơ hội trong lựa chọn công việc nên số hộ làm nghề rèn trong thôn đã giảm đi nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nghề rèn truyền thống bị mai một, có nhiều thợ rèn vẫn tâm huyết với nghề, quyết tâm gắn bó, giữ gìn nghề ông cha đã để lại. Để nghề rèn phát triển bền vững, những hộ làm nghề đều quan tâm tới bảo vệ môi trường xung quanh khu vực sản xuất, cập nhật những mẫu mã, kiểu dáng và tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất để sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân”.
Để nghề rèn thôn Vân Ngoại tiếp tục được duy trì, các hộ làm nghề trong thôn đã thành lập hội lò rèn của thôn và cứ đến ngày 2.11 dương lịch hàng năm, tất cả các hộ làm nghề trong thôn cùng tổ chức buổi gặp gỡ để ôn lại những kỷ niệm trong nghề và tiếp thêm sức mạnh cho những thanh niên trong thôn vững bước phát triển nghề.
Ông Hoàng Văn Dự, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: “Nghề rèn thôn Vân Ngoại là một trong những nghề truyền thống của địa phương. Thời gian qua, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ dân trong thôn phát triển nghề như: Tạo điều kiện cho các hộ làm nghề tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… Bên cạnh đó tuyên truyền cho các hộ dân trong quá trình làm nghề phải gắn với bảo vệ môi trường để nghề rèn thôn Vân Ngoại được lưu giữ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình tại địa phương”.