Sản xuất tại cụm công nghiệp Minh Khai (Văn Lâm)
Đề án Quy hoạch phát triển CCN của tỉnh giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 35 CCN, với tổng diện tích hơn 1.399 ha. Giai đoạn 2021-2025 sẽ mở rộng quy mô 2 CCN và hình thành thêm 5 CCN mới, đưa tổng số CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 40 CCN, với tổng diện tích hơn 1.709 ha. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển CCN có quy mô phù hợp theo từng giai đoạn, đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm vào các khu vực có tiềm năng nhằm mục đích đưa các cơ sở sản xuất dời lẻ hiện có vào các CCN để quản lý, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất, di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư…
Thực hiện quy hoạch trên, đến nay, toàn tỉnh có 12 CCN được thành lập, trong đó có 5 CCN với tổng diện tích hơn 36,3ha đã được đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút doanh nghiệp và hộ gia đình vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Tuy nhiên, qua đánh giá của ngành chức năng, sau khi Đề án Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2025 được ban hành, ngoài các CCN do các huyện làm chủ đầu tư hạ tầng, đến nay toàn tỉnh mới có 3 cụm công nghiệp thu hút được chủ đầu tư hạ tầng gồm: CCN Minh Khai mở rộng trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) có diện tích hơn 17ha do Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng – Chi nhánh Hưng Yên làm chủ đầu tư; CCN Phù Ủng trên địa bàn xã Phù Ủng (Ân Thi) có diện tích gần 39ha, do Công ty Billion Union Textile Limited làm chủ đầu tư; CCN Văn Nhuệ trên địa bàn xã Văn Nhuệ (Ân Thi) có diện tích 50ha do Công ty cổ phần Năng lượng bền vững Việt Nam làm chủ đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc triển khai thực hiện phát triển CCN theo đề án thời gian qua chưa đạt được mục tiêu đề ra do đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi chậm, việc di dời các hộ sản xuất tại các làng nghề gây ô nhiễm vào CCN cũng gặp khó khăn.
Theo Giám đốc Sở Công Thương, tỉnh đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ đầu tư, phát triển CCN. Trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 100% chi phí lập quy hoạch chi tiết CCN nhưng không quá 1 tỷ đồng mỗi cụm. Hỗ trợ 100% chi phí đầu tư đường giao thông trục chính đến hàng rào CCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa không quá 1km... Đối với xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước nội bộ, mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/ha theo quy hoạch chi tiết và không quá 5 tỷ đồng mỗi CCN. Hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung được hỗ trợ 50% theo dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 5 tỷ đồng mỗi CCN. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời vào CCN được hỗ trợ 100% kinh phí lập dự án đầu tư cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, khu dân cư di dời vào CCN. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khi thực hiện di dời dự án vào CCN được hỗ trợ 50% chi phí di dời hợp pháp, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng đối với một cơ sở…
Cùng với đó, ngày 3.7.2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh. Quy chế nhằm thực hiện cơ chế quản lý một đầu mối, tránh chồng chéo, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển CCN, đồng chí Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thơ cho biết thêm: Thời gian tới, sở tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đồng bộ thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách khuyến công... đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, đầu tư thứ cấp vào các CCN đã được quy hoạch.
Đề xuất với UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông và xử lý nước thải các CCN; có cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu vực dân cư di dời vào CCN; tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các chủ đầu tư CCN, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và được vay nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng theo tiến độ của dự án...