|
Thu hoạch nhãn ở HTX nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) |
Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nhãn Miền Thiết, xã Hàm Tử (Khoái Châu) chia sẻ: Dù mới được thành lập từ đầu năm 2016 nhưng HTX đã có những bước đi cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các thành viên. Hiện nay HTX có 27 thành viên với tổng diện tích hơn 40ha trồng nhãn theo quy trình VietGap, trong đó có 22ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGap.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã xây dựng mô hình sản xuất nhãn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGap; thường xuyên tiếp cận với các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua rau quả an toàn ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Các quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, do đó chất lượng đầu ra của sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được khách hàng tin dùng. Khi thu hoạch, HTX nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên.
Ngoài ra, HTX còn thu mua, tiêu thụ nhãn bảo đảm yêu cầu chất lượng của những hộ dân trong và ngoài xã. Năm nay, HTX đã ký hợp đồng với 50 đầu mối doanh nghiệp, cơ sở thu mua hoa quả sạch để bao tiêu nhãn cho thành viên với sản lượng khoảng 200 tấn.
Bà Nguyễn Thị Thương, thành viên của HTX nhãn Miền Thiết chia sẻ: Khi HTX chưa được thành lập, nhãn chín muộn Miền Thiết chưa được nhiều người biết đến, sản phẩm chỉ tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Sau khi thu hoạch, sản phẩm thường bị thương lái ép giá.
Trước thực trạng đó, nhiều hộ trồng nhãn ở Hàm Tử đã liên kết với nhau thành lập tổ hợp tác, tiền thân là HTX Miền Thiết hiện nay, trên cơ sở tìm ra hướng đi mới trong việc hỗ trợ nhau trong sản xuất theo trình độ chuyên canh tập trung, bảo đảm cho việc đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm của nhãn chín muộn Miền Thiết đến với đông đảo người tiêu dùng.
Vụ này, với 5,5ha trồng nhãn theo quy trình VietGap, gia đình tôi ước thu được khoảng 100 tấn quả. Thông qua HTX, đến nay gia đình tôi đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua khi thu hoạch”.
Theo các hộ thành viên của HTX nhãn Miền Thiết, từ khi chuyển sang sản xuất nhãn theo quy trình VietGap, chất lượng và mẫu mã sản phẩm nhãn chín muộn Miền Thiết không ngừng được cải thiện. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều thương lái đã chủ động tìm về để thu mua nhãn của HTX với giá cao hơn từ 3 – 5 nghìn đồng/kg so với bán tự do ngoài thị trường, nhờ vậy mà các thành viên HTX có thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm.
Với phương châm đặt lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu, ngay từ khi thành lập (năm 2006), HTX nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) đã áp dụng quy trình sản xuất nhãn rất nghiêm ngặt từ khâu cắt tỉa, tạo tán, bón phân, phù hợp theo từng thời điểm; tưới nước và giữ độ ẩm cho cây, chăm sóc để bảo đảm cây ra hoa tốt, đậu quả nhiều, không bị rụng quả non...
Ông Đặng Văn Xây, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, các thành viên HTX trồng 12ha nhãn các loại, trong đó chủ yếu là giống nhãn: Hương chi, cùi, đường phèn, siêu ngọt… Theo đánh giá, năm nay thời tiết thuận lợi, nhãn được mùa, dự kiến sản lượng nhãn ước đạt 120 – 130 tấn, tăng từ 30 – 40% so với năm trước.
Vừa qua, HTX đã thu hoạch được hơn 1 tấn nhãn chín sớm, xuất bán cho các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn với giá bán cao gấp 2 lần so với thị trường tự do. Ngoài các doanh nghiệp thu mua hoa quả sạch là bạn hàng truyền thống ở các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh...
Vụ nhãn năm nay, HTX nhãn lồng Hồng Nam còn mở rộng thêm thị trường tiêu thụ nhãn ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng với sản lượng tiêu thụ khoảng 30 tấn.
Ông Xây cho biết thêm: Để tạo được uy tín và thương hiệu cho sản phẩm nhãn lồng, cùng với thường xuyên cải tạo, thay thế bằng những giống nhãn chất lượng quả ngon, Ban quản trị HTX luôn theo dõi, giám sát, yêu cầu các hộ thành viên phải ghi chép đầy đủ việc sản xuất theo quy trình VietGap chung đã được HTX xây dựng từ đầu vụ, qua đó hầu hết sản phẩm nhãn khi thu hoạch đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. 100% sản phẩm khi được dán tem nhãn của HTX trước khi xuất ra thị trường đều được kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 HTX sản xuất, kinh doanh nhãn và các sản phẩm từ nhãn. Thực tế cho thấy, khi tham gia HTX, người trồng nhãn được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật sản xuất nhãn theo quy trình kỹ thuật chung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Bên cạnh đó, nhiều HTX còn hỗ trợ tem nhãn, bao bì, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với giá cao hơn so với bán ngoài thị trường.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhãn tại các HTX còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do quy mô diện tích trồng nhãn còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng chưa đồng đều. Sản lượng nhãn tiêu thụ qua các HTX còn chiếm tỷ lệ thấp so với sản lượng thu hoạch. Các HTX chưa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo quản, chế biến, chủ yếu vẫn bán nhãn quả tươi…
Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Các HTX nhãn trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ nhãn cho nông dân. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ nhãn, thời gian tới các hộ trồng nhãn cần liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, thực hiện các hình thức góp vốn, góp ruộng, vườn, cùng ứng dụng chung quy trình sản xuất nhãn; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nhãn của các thành viên thông qua HTX. Các HTX mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm, tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm từ nhãn sau thu hoạch…
|