Làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên), cách Hà Nội chừng 50km là một ngôi làng yên bình, tĩnh lặng nức tiếng xứ Bắc xưa kia. Tìm về làng Nôm trong một ngày đầu thu bỗng thấy những kí ức về tuổi thơ chợt ùa về, trong trẻo và đầy hồn nhiên.
Như bao làng Việt khác, cổng làng Nôm là nơi đầu tiên du khách nhìn thấy trước khi hòa mình vào không gian hoài cổ. Chiếc cổng mang dáng vẻ uy nghi, họa tiết tinh xảo, đậm dấu ấn dân tộc khiến bước chân mỗi người đi qua cũng phải nấn ná nhìn lại.
|
Cổng làng Nôm uy nghi tĩnh lặng chứng kiến cuộc sống dân làng |
Bước qua cánh cổng, bất kỳ du khách nào sẽ cảm thấy thời gian như dừng lại, đọng lại trên từng mái nhà, từng thửa ruộng, từng bờ tường tróc sơn.
Mặc dù đã nhiều thế kỷ trôi qua kể từ khi thành lập làng nhưng mọi thứ dường như vẫn như ngày hôm qua, như một giấc ngủ trưa ngắn ngủi. Không hề có một sự phá cách hay tác động của nền kinh tế thị trường vồn vã ngoài kia đến với ngôi làng cổ nằm cách Hà Nội chừng 50km này.
|
Chợ Nôm với những gian bán hàng đậm màu thời gian |
Ghé thăm chợ tôi nhận thấy chợ Nôm khác với những khu chợ khác mà tôi đã gặp. Không phải là những ki-ốt đơn điệu, không phải là những gian hàng được xây bê tông kiên cố mà chỉ là những gian nhà xây gạch đỏ không trát vữa. Màu gạch đỏ qua nắng gió thời gian trở nên đậm hơn, từng trải hơn. Nhiều chỗ còn bị lở, bám rêu phong tạo cho du khách cảm giác như quay ngược lại thời gian với hình ảnh các bà, các mẹ đi chợ chiều. Người ta thường nói muốn tìm hiểu văn hóa nơi nào thì hãy ghé thăm khu chợ ở đó. Tới chợ làng Nôm, nhìn ngắm những "gian hàng" nhuốm màu thời gian mới thấy được phong vị cổ kính và nếp sống dung dị, chan hòa ở nơi đây.
|
Cầu đá ở làng Nôm |
Vào sâu trong làng, cây cầu Nôm sừng sững như một chứng nhân lịch sử, vẫn sừng sững cùng với thời gian. Cây cầu này còn từng đi vào thơ ca mà nhắc tới nhiều người biết đến: “Đồng nát thì về cầu Nôm”. Cây cầu gồm có 9 trụ xây bằng đá bắc qua con sông Nguyệt Đức chảy vòng quanh làng. Trên mỗi trụ cầu được chạm khắc đầu rồng tinh xảo trông như những thần bảo hộ cho ngôi làng này được sóng yên bể lặng.
Ngoài ra, đi quanh làng bạn còn được chiêm ngưỡng những di tích nổi tiếng khác như đình thánh Tam Giang thờ một vị tướng của Hai Bà Trưng. Ngôi đình vẫn giữ được nét nguyên bản vốn có dù được xây dựng từ năm 1924 và cho đến nay chưa từng trải qua một đợt trùng tu quy mô lớn nào.
|
Đình Tam Giang cổ kính vượt thời gian |
Nhờ vào nghề đồng nát xưa kia mà người dân làng Nôm xưa kia có cuộc sống khá “vương giả”, xây được những ngôi nhà khang trang, bề thế mà trở thành di sản ngày hôm nay, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
|
Những ngôi nhà khang trang, bề thế vẫn còn hiển hiện cùng với thời gian ở ngôi làng cổ |
Nhiều căn nhà gỗ được định tuổi hơn hai hoặc ba trăm năm, giá trị về lịch sử và văn hóa rất cao. Tuy nhiên người dân ở đây dù được trả giá tiền tỉ không bán căn nhà tổ tiên của mình để lại mà dùng làm từ đường hoặc nơi tụ tập cho họ hàng dịp lễ, Tết.
Kinh tế của ngôi làng cũng dần khá lên, con cháu đi làm ăn xa ở Hà Nội hay các tỉnh lân cận nhưng mỗi dịp cuối tuần hay lễ Tết vẫn quay về nhà bên gia đình, quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Khi ấy, những căn nhà cổ lại rộn vang tiếng cười của sự sum họp, của hạnh phúc và của những điều tốt đẹp nhất mà ông bà tổ tiên để lại cho dân làng Nôm.
Nguồn:hungyentv.vn