|
Ông Đỗ Văn Sử đang cho đàn bò sữa ăn
|
Năm 2011, ông mua 4 con bò sữa trị giá 40 triệu đồng/con về nuôi. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ con bò sữa mang lại, vợ chồng ông quyết định tăng số lượng đàn bò lên 10 con, trong đó có 7 con đang cho khai thác sữa. Ông Sử cho biết, mỗi ngày, một con bò sữa cho thu trung bình 15 – 20 kg sữa. Sản phẩm sữa được Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk thu mua với mức giá 14.000 đồng/kg. Với giá bán này, ông Sử có lãi khoảng 50% tiền bán sữa.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Động, trên địa bàn huyện hiện có hàng trăm mô hình nuôi bò sữa với tổng đàn trên 800 con, trong đó gần 700 con đang cho khai thác sữa. Số lượng bò sữa tập trung ở các xã vùng ven đê sông Hồng như: Hùng An, Phú Thịnh, Đức Hợp, Mai Động… Trên địa bàn huyện hiện có 3 điểm thu mua sữa bò bảo đảm năng lực mua gom toàn bộ sữa bò của cả huyện và địa bàn lân cận.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Kim Động phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có khoảng 1.000 con bò sữa, tập trung mở rộng ở những địa phương đang nuôi và một số xã khác. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả cao mà huyện đang triển khai.
Tại huyện Khoái Châu mô hình chăn nuôi bò sữa bắt đầu phát triển từ năm 2003 với sự hỗ trợ của đề án chăn nuôi bò sữa của tỉnh, được triển khai tại các xã vùng màu, vùng bãi, vùng bối. Khi đó, ông Phan Chính Tuân ở thôn Kênh Hạ, xã Liên Khê là một trong những nông dân được hỗ trợ mua 4 con bò giống với mức 10 triệu đồng/con.
|
Nuôi bò sữa đã giúp gia đình ông Tuân làm giàu |
Đầu tư lớn nhưng vì ban đầu còn thiếu kinh nghiệm chăn nuôi và thời điểm giá sữa thấp nên mô hình chăn nuôi bò của ông Tuân thua lỗ. Không nản lòng, gia đình ông vẫn kiên trì giữ lại đàn bò và thay thế dần bằng giống bò Hà Lan với 3/4 máu ngoại. Hiện gia đình ông thường xuyên nuôi 20 - 40 con bò sữa, trung bình mỗi ngày thu được trên 1 tạ sữa bán với giá từ 12.000 - 14.000 đồng/kg. Bằng kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông Tuân cho rằng, chăn nuôi bò sữa vào thời điểm này là cực kỳ hiệu quả. Mỗi năm gia đình ông thu trên 300 triệu đồng tiền lãi từ bán sữa bò, chưa kể tiền bán bê con.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi bò sữa, ông Tuân cho biết: “Để tăng năng suất và chất lượng sũa phải chọn giống bò tốt, tuân thủ quy trình chăm sóc hằng ngày. Đặc biệt là nguồn thức ăn phải bảo đảm dinh dưỡng và hợp vệ sinh, ngoài thức ăn thô, phải cho bò ăn thêm cám viên, bổ sung thêm vitamin A, D, E, biotin, canxi...
Để cung cấp thức ăn cho bò, tôi trồng 10 mẫu cỏ, ngoài ra còn tận dụng thêm phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, chuối để làm thức ăn cho bò. Mùa hè nguồn thức ăn thô này dồi dào, tôi đem ủ chua để dành cho bò ăn vào mùa đông và giúp kích thích tiêu hóa tốt cho bò”.
Theo tính toán của ông Tuân, với giá sữa ổn định ở mức hiện nay, sản lượng sữa trung bình mỗi con đạt 4,8 tấn/chu kỳ 300 ngày (tương đương 16kg sữa/ngày), thì một con bò sữa đang khai thác sữa cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm.
Với hiệu quả kinh tế cao từ việc nuôi bò sữa, những năm gần đây, đàn bò sữa của huyện Khoái Châu có xu hướng phát triển mạnh, tập trung nhiều ở các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Đông Kết, Hàm Tử, Ông Đình, Liên Khê, Tân Châu, An Vĩ.
Ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu: Toàn huyện hiện có 813 con bò sữa, trong đó 80% đang cho khai thác sữa với năng suất trung bình 16 - 25kg sữa/con/ngày. 100% sữa bò được bán cho Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk tại 2 điểm thu mua ở xã Bình Minh và Đông Kết.
Tuy nhiên, khó khăn nhất trong phát triển chăn nuôi bò sữa hiện nay là thiếu vốn đầu tư để mở rộng quy mô, nhất là với hộ mới nuôi; khó kiểm soát được chất lượng bò giống; trình độ kỹ thuật chăn nuôi của các hộ còn hạn chế...
|
Theo ông Quyết, để có thể phát triển một cách bền vững thì người chăn nuôi cần phải quan tâm đến việc sản xuất sữa có chất lượng cao với chi phí hợp lý. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất là rất quan trọng. Cần đầu tư chuồng trại đúng kỹ thuật cũng như mạnh dạn sử dụng các máy móc chuyên dụng. Để bảo đảm chất lượng sữa bò tươi theo yêu cầu của đơn vị thu mua, người nông dân phải trồng cỏ sạch, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho bò. Việc vắt sữa cũng phải thực hiện bằng máy và bảo quản sữa theo đúng quy trình kỹ thuật.
Những năm gần đây, tận dụng lợi thế được phù sa dòng sông Hồng bồi đắp, đất đai màu mỡ, diện tích trồng màu lớn nên việc phát triển chăn nuôi bò sữa tại các địa phương ven sông Hồng ngày càng thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo thống kê của Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện nay, tổng số đàn bò sữa trên địa bàn toàn tỉnh là trên 3.500 con, tập trung chủ yếu ở các huyện: Kim Động, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên…
Người chăn nuôi đã có kinh nghiệm chọn lọc những con bò sữa cho sản lượng sữa cao, việc chăm sóc, phòng dịch được bảo đảm, sản phẩm sữa được bao tiêu hoàn toàn bởi các công ty sữa đã tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho nông dân.
|