Bài 1: Tập trung cao độ, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương ứng phó với bão lũ
Nắm chắc diễn biến tình hình bão lũ, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể… khẩn trương chỉ đạo quán triệt, triển khai kịp thời, nghiêm túc công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ. Các biện pháp ứng phó được thực hiện ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em, người già và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Chỉ đạo từ sớm, ứng phó quyết liệt
Ngay khi bão số 3 (có tên quốc tế là Yagi) tiến vào biển Đông và được dự báo là siêu bão với sức gió cấp 15 - 16, di chuyển với tốc độ nhanh hướng về các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 3. Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, các cấp, các ngành, đoàn thể cũng như mỗi người dân trong tỉnh đều nâng cao tinh thần cảnh giác để ứng phó với bão. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh đã thường xuyên đi kiểm tra công tác phòng, chống bão ở các địa phương trong tỉnh.
Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó và động viên các lực lượng tham gia ứng phó với bão số 3
Khi bão số 3 quét qua tỉnh Hưng Yên, dù sức gió đã giảm xuống cấp 8 nhưng gió và mưa to đã làm cho 3.678 nhà bị hư hại chủ yếu là tốc mái; hàng nghìn cây xanh bị đổ gãy; hàng trăm héc - ta rau màu, lúa đã trổ bông, hoa cây cảnh, cây ăn quả bị ngập nước, dập và gãy hỏng; cơ sở vật chất trường học, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp nhiều nơi bị hư hỏng…
Cơn bão số 3 đã làm cho hàng nghìn héc-ta lúa trên địa bàn tỉnh ta đổ rạp
Những thiệt hại to lớn do bão số 3 gây ra chưa kịp khắc phục thì nước trên sông Hồng, sông Luộc lại dâng cao do nước từ thượng nguồn đổ về. Chỉ từ ngày 10 đến ngày 12/9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN liên tục ban hành công điện khẩn phát lệnh từ báo động I đến báo động III trên sông Hồng và từ báo động I đến báo động II trên sông Luộc. UBND tỉnh ban hành nhiều công văn chỉ đạo tăng cường các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Thường trực Tỉnh ủy dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã họp khẩn về công tác phòng, chống lụt, ngập úng và khắc phục hậu quả của bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Trên tinh thần phòng ngừa, không chủ quan, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa đã nhấn mạnh: “Cần phải coi công tác phòng, chống thiên tai như là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh; khi thiên tai xảy ra thì nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân là ưu tiên số một.”
Sự quyết liệt này không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn trong hành động cụ thể. Trong các ngày từ 10 đến ngày 13/9, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh thường xuyên đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ và động viên lực lượng ứng trực ở các điếm canh đê, lực lượng khắc phục sự cố ở đê, bối và làm nhiệm vụ hỗ trợ di dời người, tài sản cho Nhân dân. Trong các buổi đi kiểm tra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo sát sao, phù hợp tình hình thực tế đối với chính quyền mỗi địa phương, lực lượng chức năng. Trong đó luôn luôn nhấn mạnh và yêu cầu các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng phải tập trung toàn lực ứng phó với mưa lũ từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa ở mức cao nhất. Đồng thời động viên, chia sẻ với các tầng lớp Nhân dân bị thiệt hại bởi bão lũ, nhất là Nhân dân sinh sống, sản xuất ở những vùng ngoài đê, bối.
Căng mình chống lũ
Các lực lượng chức năng giúp Nhân dân Văn Giang di dời cây cảnh đến nơi cao ráo
Từ sự chỉ đạo quyết liệt đó, các ngành, đoàn thể, địa phương tập trung cao độ, chủ động ứng phó bằng những biện pháp cụ thể tạo nên sự đồng lòng trong toàn tỉnh, từ chính quyền cho đến các tổ chức đoàn thể và người dân. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã được kích hoạt, các lực lượng quân đội, công an và lực lượng dân quân tự vệ nhanh chóng vào cuộc, sẵn sàng bảo vệ người dân và tài sản. Tại các địa bàn ven sông Hồng và sông Luộc, lực lượng chức năng được điều động tăng cường canh gác và tuần tra liên tục bảo đảm an toàn đê điều. Nhờ đó, dù nước sông Hồng lên báo động III, sông Luộc báo động II nhưng toàn hệ thống đê trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được an toàn.
Những chiến sĩ công an Hưng Yên thu dọn cột đèn chiếu sáng bị đổ nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người dân
Ngay trong đêm ngày 9/9, khi thấy mực nước trên sông Hồng, sông Luộc đang lên, các cơ quan chuyên môn đã nhận định mực nước trên sông Hồng, sông Luộc tại địa bàn Hưng Yên lên mức báo động cấp I trong ngày 10/9/2024 sẽ và tiếp tục dâng cao nữa trong những ngày tiếp theo. Vì vậy đã kịp thời tham mưu với UBND tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo các huyện có tuyến đê tả sông Hồng, sông Luộc chạy qua chỉ đạo và huy động lực lượng tuần tra, canh gác đê sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Rồi liên tục các sự cố như nước tràn cống Võng Phan (Phù Cừ); sạt trượt mái đê, sạt lở chân đê sông Hồng tại một số điểm thuộc huyện Văn Giang, Kim Động; sạt bờ bối ở thôn Thuỵ Dương, xã Thuỵ Lôi (Tiên Lữ); tràn đê trên sông Bần - Vũ Xá (thị xã Mỹ Hào)… đã được các lực lượng chức năng tập trung xử lý triệt để.
Lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia ứng phó với tình hình mưa lũ ở Văn Lâm
Đến tối ngày 10/9, khi nước trên sông Hồng dâng lên mức báo động 2, sông Luộc ngấp nghé mức báo động 2, phương án di dời người và tài sản cho người dân được chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng triển khai.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tỉnh ta đã huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và Nhân dân tham gia công tác phòng, chống, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. Trong đó, Công an tỉnh đã huy động trên 2 nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm ô tô, mô tô,… trực tiếp tham gia công tác phòng chống lũ, bão, phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Bộ CHQS tỉnh huy động trên 1 nghìn cán bộ chiến sĩ của lực lượng thường trực và trên 5 nghìn dân quân tự vệ tham gia; huy động 31 xe đặc chủng các loại cùng 33 xuồng và các trang thiết bị như áo phao, phao bè, cuốc xẻng… thực hiện nhiệm vụ ứng phó với bão số 3 và mưa lũ. Cùng với đó, công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và các cấp lớp Nhân dân không lơ là, chủ quan; đồng thời đoàn kết, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng di chuyển tài sản kịp thời, an toàn. Các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đều có phương án thực hiện nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân tại các vùng bị ngập lụt; triển khai lực lượng bộ đội thường trực cùng với dân quân tự vệ tổ chức chốt chặn tại những vị trí đê xung yếu, có nguy cơ bị mất an toàn. Trong những ngày nước sông Hồng, sông Luộc dâng cao, chính quyền địa phương kết hợp cùng các lực lượng chức năng đã di dời 6.368 người/1.926 hộ sinh sống ngoài bãi sông ra khỏi vùng nguy cơ mất an toàn.
https://baohungyen.vn/doan-ket-vung-vang-vuot-qua-bao-lu-3175465.html