Theo đó, nội dung chính của Kế hoạch là: Triển khai xây dựng hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm trực tuyến trên thiết bị di động bằng mã ma trận Qr – Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh; lập danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm theo các tiêu chuẩn GAP trên địa bàn tỉnh tham gia ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc; công bố danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ứng dụng tem điện tử, tuyên truyền và hướng dẫn truy cập ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
|
Cam đường canh Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) được gắn tem truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng |
Cuối cùng là triển khai ứng dụng tem điện tử thông minh vào quản lý sản phẩm, kích hoạt thông tin cho sản phẩm, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã cài đặt và sử dụng ứng dụng trên Smart Phone…
Thông qua tem được dán, người mua hàng chỉ cần dùng điện thoại di động hoặc các thiết bị thuận tiện khác là có thể truy xuất được nguồn gốc, biết rõ được sản phẩm mình mua xuất xứ từ đâu, chất lượng thế nào.
Hiện tại tỉnh ta có khoảng gần chục sản phẩm nông sản của hơn 20 nhà vườn, trang trại, hợp tác xã được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Tất cả các sản phẩm này đều được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ và đều được các nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm an toàn, tiêu biểu như: Cam Quảng Châu, nhãn lồng Hồng Nam, chuối tiêu hồng Khoái Châu…
Qua theo dõi, những sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc đã tạo được hiệu quả, nhất là trong chống hàng giả, hàng nhái. Cũng chính từ việc gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành kênh cung cấp thông tin 2 chiều giữa đơn vị sản xuất, kênh phân phối và người tiêu dùng.
Qua đó để người tiêu dùng nâng cao hơn nữa ý thức sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn còn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; thắt chặt mối liên kết, tương tác đa chiều giữa 4 nhà “Nhà quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu thụ”.
Là trang trại trồng cây có múi quy mô, diện tích lớn của huyện Phù Cừ, năm 2017, trang trại Bống Vàng đã chủ động đăng ký mã số, mã vạch và dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cam của trang trại mình.
|
Cam của Trang trại Bống vàng (Phù Cừ) được gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường |
Theo đó, tem truy xuất nguồn gốc được gắn vào sản phẩm của trang trại khi bán ra thị trường, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã vạch ở mặt ngoài của tem sẽ rõ các nội dung gồm: Thời điểm xuống giống, quy trình chăm sóc và địa chỉ sản xuất.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Hoàng Hữu Quốc, chủ trang trại cho biết: “Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là việc làm bắt buộc và là xu hướng tất yếu để sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Trang trại Bống Vàng là đơn vị tiên phong trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới tận thửa ruộng, chăm sóc, quá trình hình thành sản phẩm được quản lý theo chuỗi áp dụng quy trình VietGap. Mỗi bao bì, nhãn mác của trang trại đều được gắn QR code bảo đảm chống hàng giả và người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh là truy xuất được qua quét mã QR code”.
Truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu trong sản xuất hàng hóa hiện đại. Tuy nhiên, việc triển khai truy xuất nguồn gốc vẫn gặp nhiều khó khăn do đây là hoạt động thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Các doanh nghiệp, nhà vườn, trang trại vừa và nhỏ hầu như chưa xây dựng hoặc thực hiện các chương trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa đầy đủ, còn hạn chế.